Báo cáo của Chính phủ và ý kiến chuyên gia
(Tài chính) Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội sáng 21/10 thu hút sự chú ý của nhiều nhà chuyên môn kinh tế. Dưới đây là một số ý kiến ban đầu của họ.
Báo cáo khá toàn diện và đầy đủ
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ khá toàn diện, đầy đủ, thẳng thắn cả những mặt được và chưa được cũng như những nguyên nhân gốc rễ, đặc biệt, là các nguyên nhân về hạn chế trong cách tiếp cận, về quan điểm, cách thức thực thi…
Một điểm cần ghi nhận là Báo cáo đã đưa ra nhiều con số lý giải, số liệu cũng tiếp cận theo các chuẩn mực quốc tế…
TS. Thành cho biết ông sẽ thỏa mãn hơn nếu Báo cáo của Chính phủ làm rõ hơn những thay đổi về mục tiêu, chính sách tài khoá trong 2 năm tới so với mục tiêu trước đây như vấn đề bội chi, phát hành trái phiếu, giảm thâm hụt ngân sách, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức lạm phát thấp; cũng như những cải cách sắp tới sẽ tương tác như thế nào trong quá trình hội nhập của Việt Nam.
Mục tiêu đưa ra khá phù hợp
TS. Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế - xã hội TP. Cần Thơ, thì khẳng định: Thời gian qua, Chính phủ đã có những biện pháp điều hành nền kinh tế theo định hướng mục tiêu “kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô” khá hiệu quả, như tỷ lệ lạm phát còn 1 con số trong 2 năm qua, cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt.
Các mục tiêu và chỉ tiêu 2 năm 2014-2015 đưa ra khá phù hợp thực tế (tăng trưởng bình quân 6%/năm, giá tiêu dùng tăng 7%/năm, vốn đầu tư toàn xã hội 31-32% GDP), có cân nhắc tình hình thế giới, khu vực và trong nước và vì vậy có tính khả thi cao. TS. Trần Thanh Bé ủng hộ việc nâng bội chi ngân sách (lên 5,3% GDP) bên cạnh tiết giảm chi tiêu hành chính công (tinh giản biên chế, nâng hiệu quả điều hành) để có nguồn tài chính đầu tư cho phát triển.
Bên cạnh đó, trong tình hình thế giới còn khó khăn và diễn biến phức tạp, với nguồn lực hạn chế của một nước vừa “thoát nghèo” không lâu, theo TS. Bé, chúng ta rất cần có đột phá về nhận thức, tư duy kinh tế, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, cùng các giải pháp xử lý tham nhũng, lợi ích nhóm… “cởi trói” và kích thích nguồn lực xã hội để có thể đạt kết quả phát triển nhanh và bền vững.
Lạc quan nhưng thận trọng
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế và tài chính ngân hàng thì nhận xét: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình Quốc hội một bản báo cáo kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) với sự lạc quan, nhưng thận trọng. Thủ tướng đã đánh giá khá chi tiết về kết quả giữa kỳ trong kế hoạch 5 năm và không phủ nhận những hạn chế yếu kém trong quá trình thực hiện kế hoạch này. Điểm sáng nhất trong quá trình thực hiện kế hoạch là Chính phủ đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát và giữ ổn định đồng tiền Việt Nam.
Thủ tướng cho biết thu ngân sách trong năm 2013 khó khăn và đề nghị với Quốc hội phê chuẩn mức bội chi 5,3% trên GDP cho năm tài khóa 2013-2014, có nghĩa là chỉ tăng khoảng 0,5% GDP (16.800 tỉ đồng) so với bội chi năm ngoái 4,8%. Tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục khó khăn trong năm 2014 và mức tăng bội chi ngân sách khoảng 0,5% có thể vẫn không đủ để Chính phủ có thể cân đối ngân sách một cách hợp lý. Do đó, Chính phủ có thể xem xét đề nghị Quốc hội tăng bội chi ngân sách cho năm tài khóa 2013-2014 lên mức 5,8%.
Một điểm nữa rất được quan tâm là tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó hai đối tượng quan trọng là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và ngân hàng. Hai đối tượng này tuy độc lập với nhau nhưng tương quan rất mật thiết trong lĩnh vực tài chính. Các DNNN là khách hàng quan trọng của hệ thống ngân hàng và chiếm một tỉ trọng rất lớn trong tổng số vốn vay từ ngân hàng.
Đây cũng là thành phần kinh tế đóng góp nhiều trong vấn đề nợ xấu khi mà một số DNNN hoạt động thiếu hiệu quả, phát sinh lỗ và gặp khó khăn thanh khoản, thậm chí mất khả năng trả nợ. Việc tái cơ cấu các DNNN không những nâng cao hiệu quả kinh doanh và tăng nguồn thu cho quốc gia mà sẽ đóng góp rất tích cực trong việc lành mạnh hóa ngành Ngân hàng và giúp ngành Ngân hàng đẩy mạnh tiến trình tái cấu trúc của hệ thống ngân hàng.
PGS., TS. Bùi Quang Bình, Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, nhìn nhận: Các giải pháp Chính phủ nêu trong báo cáo là đúng đắn nhưng mang tính dài hạn hơn là giải pháp khắc phục những yếu kém để tăng tốc nền kinh tế năm 2014.
Theo TS. Bình, để khắc phục các vấn đề hiện tại, hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội năm 2014 thì cần thực hiện kết hợp những giải pháp mang tính tức thời và dài hạn, như: Lấy lại gia tốc tăng trưởng trên cơ sở phát huy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát một cách vững chắc hơn trên cơ sở vận hành chính sách tiền tệ và tài khóa chặt chẽ hơn trên nguyên tắc tăng trưởng phương tiện thanh toán trên cơ sở tăng trưởng kinh tế; kiểm soát bội chi ngân sách và hiệu quả đầu tư công…
TS. Mai Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài, chia sẻ quan điểm về vấn đề này: Việc xây dựng môi trường thể chế chính sách đồng bộ về mặt pháp lý nên tính đến tầm nhìn dài hạn và cần phải đặt trong bối cảnh chung. Muốn làm được như thế, trước hết công tác dự báo phải tốt hơn, số liệu thống kê chuẩn xác, không được sai lệch. Các chính sách đưa ra cần mang tính liên ngành, liên khu vực, thông thoáng, đồng bộ, dễ thực hiện, sát thực tế và không chồng chéo. Điều quan trọng là khi thực thi cần phải bám sát đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, cần có hướng dẫn cụ thể để các cơ quan cấp dưới và DN thực hiện cho đúng.
Riêng về vấn đề tái cơ cấu các DN Nhà nước, theo TS. Hải, Nhà nước chỉ nên tạo ra môi trường pháp lý để DN tự điều chỉnh, tự cấu trúc lại, bản thân DN thấy được tái cấu trúc là công việc tự thân của DN để tự “lột xác”.
Bên cạnh đó, cái gốc của kinh tế là sản xuất, sản xuất mà không phát triển thì mọi thứ sẽ trì trệ theo. Vì vậy, khi DN gặp khó khăn các ngân hàng cần phải vào cuộc cùng DN. Phải coi DN và mình đang đi chung 1 con thuyền, hỗ trợ DN tiêu thụ vốn.