Báo cáo tình hình kinh tế năm 2016 và dự báo năm 2017
Năm 2016, kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng ở mức thấp trong vòng 5 năm liên tiếp (dưới mức 3,7% của năm 2010). IMF dự báo năm 2016 tăng trưởng ở mức 3,1% (thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm 2015).
Nguyên nhân chủ yếu là do năng suất lao động chậm cải thiện tại các nước phát triển, tăng trưởng thương mại toàn cầu thấp hơn dự kiến, giá cả hàng hóa cơ bản tiếp tục giảm khá mạnh và những tác động tiêu cực từ Brexit. Trong khi đó, các chính sách nới lỏng tiền tệ (lãi suất thấp hoặc âm, các gói nới lỏng định lượng và định tính…) tại hầu hết các nước không mấy hiệu quả đối với tăng trưởng và lạm phát.
Trước bối cảnh phục hồi kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam đạt được một số thành quả đáng ghi nhận bên cạnh một số khó khăn, thách thức:
Tăng trưởng kinh tế dự báo tăng 6,3% thấp hơn so với kế hoạch (6,7%); Ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì: (i) lạm phát năm 2016 ước trong khoảng 4,75%-4,9% chủ yếu do giá dịch vụ công được chủ động điều chỉnh; trong đó lạm phát cơ bản ổn định ở mức dưới 2%; (ii) Niềm tin nhà đầu tư nước ngoài ngày càng được củng cố vào ổn định vĩ mô; (iii) Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định; (iv) Cán cân thanh toán quốc tế (CCTTQT) đảo chiều; Bội chi NSNN đạt thấp hơn so với năm 2015, chi NSNN cũng tăng thấp hơn ở mức 2,7% so với thực hiện năm 2015; Xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2016 của Việt Nam tăng 9 bậc (theo WB). Điều này đã tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp tiếp tục phát triển với số lượng đăng ký và vốn đăng ký tăng nhanh.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nói trên, hệ thống tài chính Việt Nam tiếp tục phát triển khá lành mạnh và an toàn, đảm bảo tốt chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng và khu vực doanh nghiệp đồng thời duy trì ổn định vĩ mô...
Đây là những nội dung chính của Báo cáo Tổng quan Thị trường tài chính 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.