Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm 9 tháng năm 2016

Theo Tổng cục Thống kê

Tính đến thời điểm 20/9/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,76% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm trước tăng 8,88%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,02% (cùng kỳ năm 2015 tăng 8,9%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,46% (cùng kỳ năm trước tăng 10,78%). 

Lãi suất huy động hiện nay tương đối ổn định, chỉ tăng khoảng 0,2%-0,3% trong khoảng thời gian từ giữa tháng 2 đến tháng 3/2016. Mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại Nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm 0,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đồng thời tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi.

Cơ cấu tín dụng đang tiếp tục theo hướng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ có hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế.

Thị trường bảo hiểm 9 tháng duy trì tăng trưởng tích cực. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường quý III/2016 ước tính tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 32%; doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 15%.

Trong bảo hiểm phi nhân thọ, dẫn đầu thị trường về doanh thu phí gốc hiện nay là Bảo hiểm Dầu khí với 20,5%; tiếp đến là Bảo Việt chiếm 16,7%; Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện chiếm 8,3%; Bảo Minh chiếm 8,2%, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex chiếm 6,6%.

Đối với bảo hiểm nhân thọ, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới ước tính tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dẫn đầu thị phần là Bảo Việt Nhân thọ chiếm 21,3%; tiếp đến là Prudential chiếm 20,2%; Manulife chiếm 13,6%; Daiichi chiếm 12,2%; AIA chiếm 11%.