Bảo đảm an ninh trật tự khu vực phía Nam
Những ngày này, cán bộ chiến sĩ công an đang ngày đêm phối hợp cùng lực lượng y tế và các lực lượng chức năng tiến hành khoanh vùng, truy vết ca nhiễm. Ðồng thời, bảo đảm an ninh trật tự trên các tuyến đường, con phố, ngăn chặn tin giả, tin xấu độc trên mạng internet làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Vừa phòng dịch, vừa chống "virus tin giả"
Thời gian này, dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang diễn biến phức tạp, việc triển khai các phương án phòng, chống dịch tác động ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống nhân dân, các hoạt động chính trị, sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan phòng, chống dịch, hoạt động tuyên truyền chống phá chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước trên không gian mạng tăng mạnh, nhất là tình trạng tung tin giả, tuyên truyền sai sự thật.
Trước tình hình nêu trên, Ðảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, toàn diện các mặt công tác Công an và công tác phòng, chống dịch bệnh (tổ chức 20 hội nghị giao ban, ban hành 16 điện chỉ đạo); thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại các tỉnh phía Nam do Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Công an làm Chỉ huy trưởng.
Qua đó đã thiết lập được cơ chế chỉ huy, chỉ đạo thống nhất, nhanh chóng huy động, điều phối các nguồn lực triển khai các nhiệm vụ, biện pháp trọng tâm, cấp bách. Các kịch bản ứng phó luôn được Bộ Công an chủ động, sẵn sàng và cao hơn một cấp độ dịch, với tinh thần "Mỗi cán bộ chiến sĩ công an là một chiến sĩ tiên phong tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; mỗi đơn vị, tổ chức trong Công an là pháo đài vững chắc, không bị lây nhiễm dịch COVID-19", tuyệt đối không lơ là, chủ quan, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm 5K.
Xác định tin giả trên không gian mạng cũng là "virus" nguy hiểm không kém virus dịch bệnh, trong thời gian qua, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao đã phân tích, xử lý, vô hiệu hóa hàng triệu tin, bài có nội dung xấu độc.
Trong đó phát hiện, xử lý hàng trăm trường hợp đăng tin giả, tin sai sự thật liên quan phòng, chống dịch; thông qua công tác quản lý nhà nước phối hợp ngăn chặn các trang mạng có nội dung xấu độc, có máy chủ đặt tại nước ngoài; giám sát và yêu cầu quản trị thông tin xấu độc của các hội, nhóm thường xuyên đăng tải - Ðại tá Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Công an cho biết.
Bộ Công an và các đơn vị, địa phương đã sử dụng hơn 100 trang/cổng thông tin điện tử, hàng nghìn website, trang mạng xã hội, trang liên kết, phát huy hiệu quả kênh thông tin báo chí cả trong và ngoài lực lượng để đăng tải hàng trăm nghìn bài viết, hình ảnh, video, phóng sự tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, phản bác các luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc, nhất là thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình, công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Hỗ trợ người dân về quê
Về việc xuất hiện và quản lý nhiều đợt với hàng nghìn người di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam về các tỉnh miền trung, Tây Nguyên tránh dịch, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Công an các địa phương đã phát huy bản chất nhân văn, vì nhân dân phục vụ, sẵn sàng đối mặt nhiều khó khăn, nguy cơ lây nhiễm, phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng nhanh chóng tổ chức dẫn đường, phân luồng giao thông, hỗ trợ nhu yếu phẩm để vừa bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch cho các địa bàn dân đi qua, vừa bảo đảm kỷ luật, an toàn, thuận lợi nhất cho các dòng người hồi hương.
Ðiển hình như ngày 25/7, chính quyền huyện Phú Lộc và lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã sắp xếp chỗ nghỉ, kịp thời tiếp tế bánh mì, sữa, nước uống, trái cây... cho 229 công dân (chủ yếu quê ở các tỉnh bắc miền trung) di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về quê tránh dịch bằng xe máy. CSGT Công an Thừa Thiên Huế đã dẫn đường ra đến huyện Phong Ðiền - tiếp giáp với huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) cho hàng trăm công dân ở các tỉnh bắc miền trung và phía bắc sau khi khai báo y tế để tiếp tục hành trình.
Công an tỉnh Bình Phước phối hợp các lực lượng chức năng đã dùng xe chuyên dụng dẫn đoàn hàng nghìn phương tiện ô-tô, xe gắn máy từ chốt kiểm soát trên tỉnh lộ 741 đến chốt kiểm soát trên quốc lộ 14 ở Ngã ba Cây Chanh (giáp ranh Bình Phước và Ðắk Nông) để về Tây Nguyên. CSGT các tỉnh Tây Nguyên, TP. Ðà Nẵng tuần qua đã dẫn đường, hỗ trợ xăng xe, nước uống, bánh mì cho hàng nghìn lượt người dân lao động bảo đảm sức lực, tiếp tục hành trình từ vùng dịch trở về nhà. Ðồng thời kiểm tra, nắm danh sách đoàn, khai báo y tế, đo thân nhiệt để bảo đảm an toàn.
Lực lượng công an đặc biệt chú trọng phòng, chống dịch trong nội bộ, không để bị động, bất ngờ, dừng hoạt động do dịch bệnh như: bố trí làm việc theo ca, tăng công suất làm việc để bảo đảm giãn cách, hạn chế tiếp xúc; tổ chức xét nghiệm tầm soát COVID-19 thường xuyên để kịp thời phát hiện, xử lý các nguồn nhiễm, lây nhiễm; bảo đảm phương tiện, vật tư y tế và trang thiết bị cho các lực lượng tham gia chống dịch.
Trước tình hình bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, Ðảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo khẩn trương điều động nhân lực, vật lực chi viện cho công an các tỉnh, thành phố mà nhất là tại TP. Hồ Chí Minh. Gần 100 cán bộ y tế thuộc các Bệnh viện của Bộ Công an như 19/8, 199, Y học cổ truyền cùng hàng trăm lượt cán bộ, y bác sĩ thuộc các bệnh viện, bệnh xá của công an các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nam Ðịnh, Ninh Bình, Ðà Nẵng tăng cường cho đội ngũ y tế công an các tỉnh, thành phố phía Nam.
Tăng cường hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, sinh viên các trường công an đóng quân trên địa bàn hỗ trợ Công an TP. Hồ Chí Minh phòng, chống dịch. Ðiều động gần 1.000 cán bộ chiến sĩ cảnh sát cơ động đóng quân trên các địa bàn chi viện các tỉnh lân cận khu vực phía Nam.
Theo Thứ trưởng Công an Lê Quốc Hùng, thời gian tới, lực lượng công an tiếp tục rà soát, tham mưu với lãnh đạo các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16; phối hợp chặt với ngành giao thông vận tải các địa phương thống nhất phân luồng xanh; tận dụng "thời gian vàng" tập trung truy vết, nơi nào đã hình thành lực lượng phản ứng nhanh liên ngành có lực lượng công an tham gia thì tiếp tục củng cố, tăng thêm số lượng, nơi nào chưa hình thành thì chủ động xây dựng ngay.
Trước những khó khăn diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ căng mình canh gác tại các điểm chốt, trong các tuyến tuần tra, cứu trợ, vừa giữ nghiêm kỷ luật chống dịch vừa nhân văn, chia sẻ với người dân bằng mọi cách có thể đã góp phần làm sáng lên tinh thần phục vụ, bảo vệ dân trong hoạn nạn.