Bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế
Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) có ảnh hưởng ngày càng sâu rộng đến đời sống xã hội và được người dân quan tâm. Tuy nhiên việc gia tăng các chi phí bất hợp lý, bội chi quỹ BHYT thời gian qua đang gây áp lực lớn cho quỹ BHYT. Theo các chuyên gia, thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm gia tăng chi phí y tế không cần thiết, tăng hiệu suất sử dụng quỹ BHYT.
Áp lực lớn
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2018, có tổng số 30 cơ sở y tế mới tham gia khám, chữa bệnh BHYT; có 168 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT, trong đó số lượt khám, chữa bệnh ngoại trú là 152,8 triệu lượt và số lượt khám, chữa bệnh nội trú là 15,3 triệu lượt.
Số chi khám, chữa bệnh BHYT tăng thêm 30% so năm 2016. Ước chi khám, chữa bệnh BHYT năm 2017, quỹ khám, chữa bệnh BHYT chi trả là 17.332 tỷ đồng.
Đến nay, nước ta đã có 12.290 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT trên hệ thống mạng; tỷ lệ dữ liệu gửi đúng ngày đạt 55,8%.
Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ gửi hồ sơ đúng ngày vẫn còn thấp, đơn cử như Hà Nội 22,6%; Bình Dương 23,1%; Long An 23,2%; Bình Thuận 27,4%; TP. Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu là 30,1%; Quảng Nam 32,7%.
Chưa kể, việc mã hóa danh mục dùng chung tại nhiều tỉnh, thành phố còn chậm, ảnh hưởng nhiều đến kết quả giám định tự động của các cơ sở khám, chữa bệnh.
Mặt khác, quá trình thực hiện chính sách BHYT cũng còn nhiều khó khăn, phức tạp như sự gia tăng các chi phí bất hợp lý, bội chi quỹ BHYT. Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, việc thực hiện chính sách BHYT trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Mệnh giá thẻ BHYT thấp, trong khi đó quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng. Số cơ sở khám, chữa bệnh ký hợp đồng với cơ quan BHYT tăng hàng năm, kết hợp với quy định khám, chữa bệnh thông tuyến huyện, nên khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân dễ dàng hơn và là một trong số các nguyên nhân dẫn đến tăng lượt khám, chữa bệnh và tổng chi khám, chữa bệnh BHYT qua các năm.
“Ngành BHXH luôn phải đối mặt với bài toán cân đối quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Việc các bệnh viện tìm cách tăng nguồn thu, dễ dẫn đến nguy cơ gian lận quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Điều này sẽ tạo áp lực công việc ngày càng lớn cho lực lượng giám định BHYT” - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhận định.
Chủ động giám sát
Để bảo đảm cân đối quỹ BHYT, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 17/QĐ - TTg giao dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT cho các địa phương, theo đó, UBND các cấp phải vào cuộc, chung tay cùng ngành BHXH sử dụng hiệu quả quỹ khám, chữa bệnh BHYT, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người dân tham gia BHYT.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, điểm mới của việc giao dự toán chi năm nay là xác định rõ ràng số chi tối đa của từng cơ sở khám, chữa bệnh BHYT dựa trên phân tích nhu cầu chi năm 2017 của chính cơ sở đó.
Căn cứ của việc giao dự toán này là Quyết định số 17/QĐ - TTg, do đó, các đơn vị BHXH phải làm việc với UBND các tỉnh, tạo được sự đồng thuận giữa các sở, ban, ngành và cơ sở khám, chữa bệnh để bảo đảm việc giao dự toán chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT sớm nhất, hiệu quả nhất.
Để thực hiện kiểm soát chi phí theo các nội dung của Quyết định số 17/QĐ - TTg, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, phải thực hiện giao chi tiết đến từng cơ sở y tế.
Theo đó, lãnh đạo bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh phải biết được nguồn tiền đã sử dụng, để từ đó tự điều tiết, điều chỉnh hành vi cung ứng dịch vụ y tế trong phạm vi được giao, giảm gia tăng chi phí y tế không cần thiết, tăng hiệu suất sử dụng quỹ BHYT.
Đồng thời, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng yêu cầu lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố phải có tinh thần chủ động trong quản lý, giám sát sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Cần tích cực tham mưu, báo cáo với UBND tỉnh để có chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách; kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm.