Bảo đảm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra toàn diện
Đó là một trong những nội dung của công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật được nêu tại Đề án "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước".
Đề án "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước" đề ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp của đề án là hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; trong đó có hoàn thiện quy định về phạm vi, nội dung, phương thức giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, quy định chi tiết nội dung giám sát, kiểm tra doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào giám sát, kiểm tra việc tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, phá sản, chuyển giao doanh nghiệp nhà nước; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao và hoạt động tài chính, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; việc thực hiện quyền và trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về phương thức giám sát, kiểm tra, thanh tra phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra toàn diện trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và tuân thủ quyết định của chủ sở hữu, doanh nghiệp có phần vốn nhà nước chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra với phạm vi, nội dung, phương thức phù hợp với yêu cầu quản lý và thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp.
Sửa đổi, bổ sung quy định về xây dựng kế hoạch, căn cứ tiến hành kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước; hoàn thiện quy trình nghiệp vụ giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước phù hợp với đối tượng, phạm vi và nội dung giám sát, kiểm tra, thanh tra.
Quy định chi tiết về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm xác định rõ trách nhiệm của cơ quan làm đầu mối, điều phối hoạt động, chịu trách nhiệm chung và cơ quan có trách nhiệm phối hợp.
Một nội dung khác được đề cập tại Đề án là hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm của các chủ thể có thẩm quyền quản lý và giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, bổ sung, quy định chi tiết về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, người đại diện chủ sở hữu nhà nước trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí về nội dung thuộc phạm vi giám sát, kiểm tra của mình tại doanh nghiệp nhà nước.
Cùng với đó là bổ sung, quy định chi tiết về xử lý trách nhiệm đối với các chủ thể có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có vụ việc vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí xảy ra tại doanh nghiệp nhà nước về nội dung đã được kiểm tra, thanh tra.
Đề án "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước" vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm việc quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp, góp phần nâng cao vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội.