Bảo đảm nguồn cung sản phẩm chăn nuôi cho các tháng cuối năm

Theo BT/dangcongsan.vn

Nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất chăn nuôi; đáp ứng đầy đủ nguồn cung thịt phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt chú trọng nguồn cung cho các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, giá lợn hơi bình quân và giá tại các vùng trên cả nước liên tục giảm trong thời gian vừa qua. Đến ngày 20/10 giá chạm đáy (ở mức 32.000 - 38.000 đồng/kg), sau đó tăng trở lại, ngày 24/10 giá đạt 35.000 - 42.000 đồng/kg.

Theo Cục Chăn nuôi, do giá bán thấp, lượng tiêu thụ giảm, người chăn nuôi phải nuôi giữ trong chuồng, đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng chưa xuất bán khoảng 30% (tương đương khoảng 1,5 triệu con).

Bên cạnh đó, theo số liệu của Cục Thú y, 9 tháng năm 2021 lượng nhập khẩu thịt đạt hơn 214,4 nghìn tấn, trong đó thịt lợn là 112,7 nghìn tấn, chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt lợn trong nước. Do tỷ trọng thịt lợn nhập khẩu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (3,6%) so với tổng sản lượng thịt lợn trong nước nên có thể khẳng định nhập khẩu không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng giá lợn hơi xuống thấp thời gian qua.

Cùng với sản phẩm thịt lợn, giá gà lông trắng cả hai miền Nam và miền Bắc trải qua 4 chu kỳ tăng, giảm nhưng tổng thể giá các tháng đầu năm ở mức cao hơn và có xu hướng thấp dần về cuối năm. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, từ tháng 7 giá gà lông trắng giảm mạnh. Đến tháng 9, giá gà công nghiệp lông trắng bán cổng trại (các trang trại lớn) có xu hướng tăng, tại các tỉnh miền Bắc dao động quanh mức 20.000-25.000 đg/kg, tại miền Trung và miền Nam chỉ dao động trong khoảng từ 11.000 - 18.000 đg/kg, tăng 3.000-5.000 đg/kg so với bình quân trong tháng 8/2021 tùy từng khu vực.

Với giá gà lông màu nuôi công nghiệp từ đầu năm 2021 cũng trải qua 2 chu kỳ biến động rõ nét, nhưng kể từ tháng 6/2021, giá có xu hướng đi ngang. Mức giá bình quân trong tháng 9 dao động từ 25.000-33.000 đg/kg.

Nhằm thúc đẩy tiêu thụ cho sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gẫy chuỗi sản xuất chăn nuôi; bảo đảm đáp ứng đầy đủ nguồn cung thịt phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt chú trọng nguồn cung các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Tiếp tục chỉ đạo xây dựng mã định danh cho cơ sở chăn nuôi, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm; tăng cường quảng bá nông sản thông qua thương mại điện tử.

Đáng chú ý, tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, không để dịch bệnh tái phát và lây lan diện rộng, qua đó đảm bảo cân đối cung - cầu mặt hàng thịt lợn. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trong hoạt động kiểm soát chất lượng, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi để tạo điều kiện ổn định giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, cần phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm soát lưu thông, hạ giá thành, chi phí khâu trung gian, nhất là đối với các sản phẩm thịt lợn, thịt gia cầm; thúc đẩy mở cửa kỹ thuật thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ NN&PTNT theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường thực phẩm; chủ động tháo gỡ khó khăn và có phương án điều tiết nguồn hàng thịt bán lẻ để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có dịch bệnh cần cách ly hoặc giãn cách xã hội, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân. Chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất chăn nuôi, lưu thông và tiêu thụ để chuẩn bị các nguồn thịt dự trữ, bình ổn giá cả thị trường, nhất là dịp cuối năm 2021.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT trong công tác kết nối tiêu thụ nông sản cho các địa phương; hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử. Tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn hiện tượng trục lợi khi giá lợn hơi đã giảm sâu nhưng giá bán lẻ còn quá cao.

Đối với doanh nghiệp, hiệp hội, Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, cần rà soát kế hoạch các tháng cuối năm của các hệ thống siêu thị lớn nhằm đảm bảo nguồn cung. Các hiệp hội lĩnh vực chăn nuôi chủ động rà soát kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp, hợp tác xã, thành viên Hiệp hội để đảm bảo nguồn cung và cân đối lại phù hợp với nhu cầu thực tế.

Các hệ thống bán lẻ chuẩn bị trữ hàng phục vụ nhu cầu tăng trong các tháng cuối năm. Các hộ chăn nuôi tăng cường xây dựng liên kết ngang (thông qua các hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác,…) để tiếp cận vào chuỗi của các doanh nghiệp, chủ động tiêu thụ sản phẩm