Hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp phát triển

Theo Bình Nguyên/Báo Đồng Nai

Để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, việc xây dựng và phát triển liên kết chuỗi giá trị nông sản được quan tâm hàng đầu. Trong đó, HTX phải thể hiện rõ vai trò tổ chức liên kết, hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ trong chuỗi giá trị nông sản.

Sản phẩm OCOP của HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch) tham gia hội nghị xúc tiến thương mại tại TP.Biên Hòa. Ảnh: BN
Sản phẩm OCOP của HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch) tham gia hội nghị xúc tiến thương mại tại TP.Biên Hòa. Ảnh: BN

Tuy là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai rất quan tâm phát triển nông nghiệp nên đã đạt được nhiều thành quả ấn tượng, nhất là trong công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX.

Tăng nhanh về lượng và chất

Suốt 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT và 10 năm thi hành Luật HTX, Đồng Nai đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp hỗ trợ KTTT, HTX phát triển đạt nhiều thành quả ấn tượng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, tính đến nay, toàn tỉnh đã có 40 HTX được Nhà nước cho thuê đất để xây dựng văn phòng, trụ sở giao dịch; 21 HTX được cho mượn các văn phòng để làm trụ sở; 64 HTX được các địa phương cho mượn đất, thuê đất sản xuất với diện tích trên 574ha. Ngoài ra, còn có một số HTX hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản được các địa phương hỗ trợ bằng hình thức giao quản lý khai thác mặt hồ với diện tích 463ha.

Vấn đề khó khăn về nguồn vốn của các HTX cũng được quan tâm hỗ trợ. Cụ thể, thời gian qua, 73 HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác đã vay 171 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, có 5 HTX vay vốn từ Quỹ Trợ vốn phát triển HTX với tổng vốn vay là 3,7 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh đã cho 2.958 hộ vay mới với số tiền gần 91,7 tỷ đồng, trong đó có nhiều hộ là thành viên của HTX nông nghiệp.

Nếu như năm 2001, toàn tỉnh Đồng Nai chỉ có 22 HTX nông nghiệp thì hiện đã tăng lên 185 HTX với tổng số 3.840 thành viên, hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và HTX tổng hợp chủ yếu thực hiện các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và mua bán vật tư nông nghiệp. Chất lượng hoạt động HTX không ngừng được nâng cao. Toàn tỉnh có 82 HTX xếp loại khá, tốt, chiếm 44,3%; loại trung bình 77 HTX, chiếm 41,6 %; tỷ lệ HTX yếu kém chỉ khoảng 8,6%.

 Xây dựng thương hiệu                     

Các HTX còn được hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu bằng uy tín, chất lượng sản phẩm để dần có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Đến nay, toàn tỉnh có 20 HTX được chứng nhận VietGAP với diện tích 818ha và 25 HTX đang thực hiện hồ sơ, thủ tục chứng nhận với tổng diện tích gần 342ha; có 3 HTX đạt chứng nhận GlobalGAP với 31,5ha; 1 HTX nông nghiệp đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ với diện tích 3,5ha...

Các HTX được tỉnh Đồng Nai ưu tiên hỗ trợ trong xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và website. Đến nay, có 13 HTX đã được hỗ trợ xây dựng website; 35 HTX xây dựng nhãn hiệu hàng hóa. Trong hỗ trợ xúc tiến thương mại, các HTX được hỗ trợ tham gia nhiều hoạt động như: tham gia hội chợ nông nghiệp quốc tế - AgroViet, hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam diễn ra hằng năm; tổ chức các hội nghị kết nối các sản phẩm với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối nông sản thực phẩm, các điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh...

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh cho biết, chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) góp phần khai thác, nâng cao tiềm năng phát triển nông nghiệp, nhất là trong xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh.

Thời gian qua, các sản phẩm OCOP Đồng Nai không chỉ tham gia các chương trình kết nối, xúc tiến thương mại trong tỉnh mà còn có mặt ở các sự kiện cấp quốc gia, quốc tế. Nổi bật là chỉ trong vòng 2 năm triển khai, toàn tỉnh đã có 10 HTX nông nghiệp với 21 sản phẩm OCOP 3 và 4 sao. Nhiều HTX không ngừng mở rộng và nâng tầm các sản phẩm OCOP.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (xã Long Tân, H.Nhơn Trạch) là HTX nổi bật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vì có 7 sản phẩm chế biến từ hạt sen và bột ngũ cốc dinh dưỡng đều được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Bà Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát chia sẻ, trước khi tham gia chương trình OCOP, sản phẩm của HTX chủ yếu cung cấp ra các chợ hoặc vào đại lý mà chưa tiếp cận được hệ thống các siêu thị và cửa hàng bán lẻ hiện đại. Chương trình OCOP đã hỗ trợ rất nhiều cho HTX trong quảng bá về sản phẩm.

HTX đã mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, thiết bị để chuẩn hóa hơn từ khâu chế biến đến đóng gói; đầu tư thay đổi mẫu logo, xây dựng hình ảnh nhận diện thương hiệu của sản phẩm để chào hàng vào siêu thị và các kênh bán lẻ hiện đại.

“HTX vẫn đang tiếp tục đầu tư nâng sao cho các sản phẩm OCOP với mục tiêu tăng độ nhận diện của thị trường về thương hiệu để sản phẩm không chỉ có chỗ đứng tại thị trường nội địa mà còn tham gia tốt vào thị trường xuất khẩu” - bà Lệ nói.