Lào thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng phục vụ xuất khẩu
Trong bối cảnh nền kinh tế Lào đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ Lào xác định, ngành nông nghiệp đóng góp 15% GDP, có vai trò quan trọng và là một thế mạnh trong giải quyết khó khăn về kinh tế của Lào, vừa để phục vụ nhu cầu trong nước thay thế hàng hóa nhập khẩu và phục vụ xuất khẩu.
Đối với các hiệp định, hợp đồng xuất khẩu nông sản đã ký kết giữa Lào với các nước, Bộ Nông lâm Lào tập trung vào ưu tiên đối với Trung Quốc và các nước láng giềng. Lào và Trung Quốc đã có thỏa thuận tiêu chuẩn về vệ sinh đối với cây trồng, vật nuôi với bảy loại cây trồng là gạo, sắn, khoai lang, ngô, dưa hấu, chuối và các cây họ đậu và chăn nuôi là gia súc lớn như trâu, bò.
Đối với Việt Nam, Lào đã có ký kết thỏa thuận tiêu chuẩn về vệ sinh với 16 loại cây trồng và với Thái Lan là 15 loại cây trồng. Trong sáu tháng đầu năm 2021, Lào xuất khẩu từ các loại cây trồng đạt 2,57 triệu tấn với tổng giá trị đạt hơn 524 triệu USD và xuất khẩu gia súc lớn đạt 2.689 con với tổng giá trị 4,8 triệu USD.
Bộ Nông lâm Lào cũng đang khẩn trương hoàn thiện tiêu chuẩn hệ thống sản xuất nông nghiệp sạch (OA, GAP…) tương đương với các tiêu chuẩn của ASEAN, tiêu chuẩn quốc tế bằng việc xây dựng và điều chỉnh các văn bản pháp lý.
Bộ Nông lâm Lào đang quy định danh mục hàng hóa nông nghiệp thay thế nhập khẩu và chính sách khuyến khích toàn diện đi kèm với việc mở rộng, điều chỉnh lực lượng sản xuất. Đối với vấn đề này, Bộ Nông lâm Lào đang tập trung điều chỉnh 1.528 nhóm sản xuất, 26 hợp tác xã nông nghiệp, tám hiệp hội và mạng lưới nông dân sản xuất nông nghiệp làm hàng hóa để đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu, làm cơ sở cho việc từng bước trở thành hợp tác xã kiểu mới để có thể sản xuất đáp ứng trong nước thay thế cho nhập khẩu. Tập trung các loại cây trồng, vật nuôi như gạo, khoai môn, ngô, rau, hoa quả, lợn, bò, dê, gia cầm, cá.
Khẩn trương điều chỉnh và phát triển dự án cơ sở sản xuất, kỹ thuật để giảm bớt nguồn vốn sản xuất như kho cất giữ, bảo quản hàng hóa, kho lạnh, phòng phân tích, trung tâm dịch vụ vệ sinh thực vật, động vật, chợ bán buôn, bán lẻ, hệ thống vận tải sản phẩm nông nghiệp thông qua việc tập trung khu vực trọng điểm sản xuất, khu vực trung chuyển hàng hóa dọc theo đường sắt Lào - Trung Quốc, cửa khẩu quốc tế, đặc khu kinh tế, cảng cạn.
Bộ Nông lâm Lào cũng tập trung thúc đẩy các dự án hỗ trợ đàm phán kỹ thuật việc mở thị trường trong việc xuất, nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và khuyến khích các hộ nông dân, kể cả số lao động Lào bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trở về địa phương nhằm đẩy mạnh sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo hướng chú trọng xuất khẩu nhằm tăng nguồn thu cho nền kinh tế.