Bảo đảm nguồn lực tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học
Nhiều giải pháp nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học đã được đề ra tại Quyết định số 149/QĐ-TTg do Thủ tưởng chính phủ ban hành ngày 28/01/2022 về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, giải pháp bảo đảm nguồn lực tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học cũng được nêu rõ.
Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu tổng quát: “Gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện gồm: (i) Tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học; (ii) Bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; (iii) Tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen, quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo vệ tri thức truyền thống về nguồn gen; (iv) Đánh giá, phát huy lợi ích của đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; (v) Kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học.
Để đạt được các mục tiêu, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nói trên, Chính phủ đề ra các giải pháp chủ yếu gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về đa dạng sinh học; Nâng cao nhận thức, ý thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Đẩy mạnh lồng ghép và thực hiện các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong hoạch định chính sách, các dự án đầu tư công; Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học…
Quyết định số 149/QĐ-TTg cũng đã cụ thể hóa các giải pháp bảo đảm nguồn lực tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó, vốn ngân sách nhà nước được cân đối, bố trí để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, đề án, dự án ưu tiên của Chiến lược theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công; ưu tiên vận động các nguồn ODA thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học; nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đầu tư tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học; thực hiện các mô hình hợp tác công - tư trong bảo tồn và sử dụng bền vững dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học; nghiên cứu, ban hành các chính sách tài chính hỗ trợ phát triển sinh kế của cộng đồng dân cư sống trong khu vực vùng đệm; khuyến khích phát triển các loại hình tài chính hợp pháp phục vụ bảo tồn cộng đồng để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển sinh kế cho cộng đồng, đặc biệt là người dân sinh sống hợp pháp trong vùng đệm các khu bảo tồn thiên nhiên.
Các cơ chế tài chính mới được nghiên cứu, áp dụng để huy động nguồn lực cho bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học phù hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và thông lệ quốc tế như: cơ chế tín chỉ đa dạng sinh học, cơ chế hoán đổi nợ cho bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, trái phiếu xanh, tín dụng xanh... Đồng thời với đó là tăng cường sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học.
Quyết định số 149/QĐ-TTg đã cụ thể hóa các giải pháp bảo đảm nguồn lực tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó, vốn ngân sách nhà nước được cân đối, bố trí để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, đề án, dự án ưu tiên của Chiến lược theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công; ưu tiên vận động các nguồn ODA thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học...