Bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân là mục tiêu hàng đầu

Xuân Minh

Bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân trước những biến đổi khí hậu luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm từ nhiều năm nay. Theo đó, nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được ban hành và triển khai vào thực tiễn...

Các chỉ tiêu về môi trường của đất nước trong chiến lược 10 năm 2021-2030, đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
Các chỉ tiêu về môi trường của đất nước trong chiến lược 10 năm 2021-2030, đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngày 25/6/1998, Chỉ thị số 36/1998/CT-TW về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được ban hành. Chỉ thị đã nêu lên những quan điểm cơ bản có tính xuyên suốt về sau: “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực  hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ngày 15/11/2004, Bộ Chính  trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã tiếp tục nhấn mạnh và khẳng định: “Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta”, “bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững”.

Ngoài vấn đề bảo vệ môi trường, nước ta còn phải đối mặt với những thách thức đến từ biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên - là ba vấn đề có sự gắn bó hữu cơ và tác động qua lại với nhau, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết đồng thời ba vấn đề cấp bách này.

Ngày 3/6/2013, Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” được ban hành. Nghị quyết số 24-NQ/TW đã nêu: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước”.

 Sơ kết sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 23/8/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 56-KL/TW về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, tiếp tục khẳng định “lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu”, “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.

Trên cơ sở tổng kết 35 năm công cuộc đổi mới đất nước, 30 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011-2020) đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025), Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, có các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính chiến lược về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đều được thể hiện trong những mục riêng với nhiều nội dung mới; đặc biệt nhấn mạnh việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ bền vững môi trường, chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường...

Đại hội XIII của Đảng đánh giá, những năm qua, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được coi trọng, bước đầu đạt kết quả tích cực. Hệ thống chính sách, pháp luật về những vấn đề này đã tiếp tục được hoàn thiện và tập trung triển khai thực hiện hiệu quả.

Tuy vậy, trước thực tiễn nhiều thách thức cũng còn nhiều bất cập. Ý thức, nhận thức về vai trò, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành, cộng đồng và doanh nghiệp, người đân chưa được phát huy đầy đủ. Vẫn để xảy ra một số sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng. Quản lý nhà nước trên một số mặt còn lỏng lẻo. Chất lượng môi trường một số nơi tiếp tục xuống cấp, thích ứng với biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng…

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng quán triệt tầm nhìn và định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Các chỉ tiêu về môi trường của đất nước trong chiến lược 10 năm 2021-2030, đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu: Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; Giảm 9% lượng khí phát thải nhà kính; 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt chuẩn về môi trường; Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3-5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được tiêu hủy, xử lý đạt 98%, trong đó riêng tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có nhà máy xử lý chất thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đạt trên 65%.

Những năm qua, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được coi trọng, bước đầu đạt kết quả tích cực.
Những năm qua, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được coi trọng, bước đầu đạt kết quả tích cực.

Chỉ tiêu về môi trường đến năm 2025 được Nghị quyết Đại hôi XIII của Đảng xác định: Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100%, của dân cư nông thôn là 93-95%; Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường là 92%; Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường quan trọng được xử lý đạt 100%; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%. Trong quá trình thực hiện, quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu và chỉ tiêu cao nhất, đồng thời, chuẩn bị các phương án để chủ động thích ứng với những biến động của tình hình.

Đảng ta cũng đề ra các giải pháp nhằm giải quyết những thách thức thực tiễn như: Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ bền vững môi trường; bảo vệ, phát triển bền vững các hệ sinh thái, đa dạng sinh học; tập trung khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, các cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, nhất là những cơ sở ô nhiễm mô trường nghiêm trọng.

Cùng với đó, bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường không khí, hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, nhất là những cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xây dựng chiến lược an ninh nguồn nước quốc gia, bảo đảm nghiêm ngặt an ninh nguồn nước, nhất là nước sạch cho sinh hoạt; kiểm soát tốt tác động môi trường của các dự án khai thác tài nguyên...;

Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đáp ứng yêu cầu phát triển, cùng với đổi mới công nghệ xử lý chất thải, tái chế, tái sử dụng chất thải, sản xuất năng lượng từ chất thải, phát triển kinh tế tuần hoàn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái phù hợp với điều kiện từng vùng, tăng khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu...