Bảo đảm quyền lợi của người bị thu hồi đất


Quốc hội vừa hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, đó là thông qua Luật Đất đai. Một trong những điểm mới của Luật được cử tri và Nhân dân đánh giá cao đó là quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Trên thực tế, thu hồi đất là vấn đề khó và nhạy cảm, dễ phát sinh điểm “nóng” nếu việc thực hiện không tuân thủ đúng pháp luật, không giải quyết thấu đáo hợp tình, hợp lý, không bảo đảm được quyền lợi của người bị thu hồi đất.

Để khắc phục được các tồn tại, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người bị thu hồi đất, Luật Đất đai 2024 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường. Theo đó, người bị thu hồi đất được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở. Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 95 của Luật này (Điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng - PV) thì được bồi thường bằng đất nông nghiệp hoặc bằng tiền hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ và có tính khả thi, Luật cũng quy định rõ: Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở, nếu đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định mà có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở và địa phương có điều kiện về quỹ đất ở, nhà ở thì được bồi thường bằng giao đất ở hoặc nhà ở tái định cư. Như vậy, việc bồi thường bằng đất hoặc nhà ở tái định cư sẽ được thực hiện ở “địa phương có điều kiện về quỹ đất ở, nhà ở”.

Không chỉ đa dạng hình thức bồi thường cho người bị thu hồi đất, Luật Đất đai năm 2024 cũng đã thể chế hóa được yêu cầu Nghị quyết số 18-NQ/TW đã đặt ra, đó là việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư; có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Để thể chế hóa được yêu cầu này, Luật đã quy định tiêu chí khu tái định cư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm thực hiện tái định cư. Nhằm bảo đảm quyền lợi của người bị thu hồi đất, Luật Đất đai 2024 đã quy định rõ: “Điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là phải hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư theo quy định của Luật này”. Như vậy, việc phê duyệt phương án cũng như thực hiện bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi thu hồi đất, điều này đồng nghĩa, việc tái định cư phải đi trước một bước.

Bên cạnh việc hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất, đào tạo chuyển đổi nghề… như hiện nay, Luật Đất đai 2024 cũng đã bổ sung các khoản hỗ trợ khác cho người bị thu hồi đất, đó là hỗ trợ để tháo dỡ, phá dỡ, di dời đối với tài sản gắn liền với đất là phần công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng có thời hạn theo pháp luật về xây dựng mà đến thời điểm thu hồi đất giấy phép đã hết thời hạn. Ngoài ra, Luật cũng đã mở rộng thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, đại diện của người sử dụng đất có đất bị thu hồi… Với sự tham gia đầy đủ các bên liên quan sẽ bảo đảm việc thu hồi khách quan, minh bạch.

Với rất nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung về thu hồi, bồi thường, tái định cư của Luật Đất đai 2024, thì người dân có thể yên tâm hơn bởi đã bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người bị thu hồi đất. Tuy nhiên, Luật đã tốt rồi, chính sách đã nhân văn rồi, điều quan trọng là phải triển khai có hiệu quả trên thực tế. Muốn vậy, ngoài việc sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành luật, cần tăng cường kiểm tra, thanh tra và kiểm soát quyền lực trong suốt quá trình thực hiện, trong đó có việc thực hiện chính sách thu hồi, bồi thường, tái định cư để tránh tiêu cực, sai phạm xảy ra.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn