Báo động nợ xấu BOT
Lâu nay dư luận lo ngại về tình trạng các chủ dự án BOT cầu đường “tay không bắt giặc”, thì nay tình trạng nợ xấu tín dụng BOT càng dấy lên nghi ngại này.
Trong khi các trạm thu phí không dừng đã đến hạn, nhưng việc áp dụng còn chưa được thực hiện… Trước con số nợ xấu tín dụng BOT tăng thì giải pháp để hoạt động đầu tư BOT hiệu quả là vấn đề nóng hiện nay…
Trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán… thì báo cáo tại kỳ họp Quốc hội gần đây, NHNN lại tiếp tục cảnh báo 53.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu. Nguyên nhân, hiện nay có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác nhưng doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, dẫn đến nguy cơ phát sinh nợ xấu. Đó là chưa kể, nếu tính cả các dự án chưa hoàn thành, hoặc đã hoàn thành và có doanh thu ban đầu đạt phương án tài chính thì con số dư nợ cho vay đối với các dự án BOT, BT còn lớn hơn nhiều.
Mặc dù việc cảnh báo rủi ro nợ xấu tín dụng BOT giao thông đã được nhắc liên tục trước đây về các dự án BOT, BT giao thông tiềm ẩn rủi ro, vì dự án loại này có tổng mức đầu tư lớn, thời gian cho vay dài hạn lên đến 20 - 30 năm nên gặp cả rủi ro về lãi suất, trong khi năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế. Tài sản đảm bảo chủ yếu là quyền thu phí nên khi hoạt động thu gặp khó khăn thì nguy cơ chuyển nợ sang nợ xấu rất lớn.
Để tránh rủi ro, hiện nay NHNN đã ban hành nhiều quy định rất khắt khe đối với việc cấp tín dụng cho các dự án lớn, thời hạn cho vay dài tại các dự án BOT, BT giao thông. Cụ thể, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng, các ngân hàng chỉ được sử dụng tối đa 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn…
Đồng thời các ngân hàng cũng sẽ thẩm định kỹ trước khi cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông để lọc ra những dự án BOT mà năng lực tài chính của chủ đầu tư yếu, không chứng minh được tính khả thi của dự án. Điều này sẽ hạn chế được những dự án mà chủ đầu tư chỉ “tay không bắt giặc”, hoàn toàn phụ thuộc vào vốn ngân hàng, đẩy rủi ro cho nhà nước gánh.
Mặc dù lãnh đạo NHNN cho rằng ngân hàng cần quan tâm và cố gắng trong điều kiện khả năng cho phép để vừa hỗ trợ doanh nghiệp vừa đảm bảo an toàn, hiệu quả cho các tổ chức tín dụng thì các bộ ngành cũng phải làm rõ các chính sách liên quan đến BOT để không gây ra rủi ro như vấn đề thu phí BOT, đặt trạm thu phí làm sao cho hiệu quả, hợp lý...
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động thu phí điện tử chưa được ứng dụng triệt để, chưa tạo minh bạch trong đầu tư, đảm bảo việc trả nợ ngân hàng. Do vậy, để an toàn trong đầu tư BOT, các nhà đầu tư cần chủ động một phần nguồn vốn, tránh phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng.
Đồng thời nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn dài hạn phù hợp với nhu cầu vốn dài hạn của các dự án. Ngoài ra, cần tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng.