Bao giờ bỏ được trần lãi suất?

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết việc áp dụng trần lãi suất huy động là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhưng khi hệ thống tín dụng hoạt động tốt hơn, an toàn, lành mạnh hơn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục xem xét dỡ bỏ những biện pháp không cần thiết.

Nhiều ý kiến cho rằng cần dỡ bỏ trần lãi suất huy động. Nguồn: Internet
Nhiều ý kiến cho rằng cần dỡ bỏ trần lãi suất huy động. Nguồn: Internet

Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 1/11, đại biểu Phạm Đình Cúc (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) nêu việc NHNN tiếp tục biện pháp hành chính quy định trần lãi suất huy động không còn hiệu quả và phi thị trường, đồng thời đặt câu hỏi cho Thống đốc NHNN sẽ có giải pháp gì trong vấn đề này?

Lâu nay, việc dỡ bỏ trần lãi suất huy động đã được nhiều chuyên gia kinh tế, ngân hàng kiến nghị. Tuy nhiên, NHNN vẫn chưa có động thái nào cho thấy sẽ bỏ trần lãi suất.

Hai quan điểm trái ngược

Trong một hội thảo của ngành ngân hàng gần đây, trả lời câu hỏi của Thời báo Kinh Doanh, một chuyên gia cho rằng mỗi biện pháp quản lý của Nhà nước đều phục vụ cho một mục tiêu nhất định. Việc giữ trần lãi suất đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô sẽ không xảy ra tình trạng các ngân hàng đua nhau nâng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi, phá vỡ thị trường như thời điểm năm 2011.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, lạm phát ở mức thấp, thanh khoản hệ thống dồi dào.. đây là những điều kiện để NHNN có thể cân nhắc bỏ trần lãi suất huy động.

TS. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, cho rằng hiện nay hầu như không có nước nào trên thế giới áp trần huy động. Vì vậy, Việt Nam cũng nên theo thông lệ quốc tế, dỡ bỏ trần lãi suất huy động.

Hiện nay, theo quy định của NHNN, lãi suất tiền gửi cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên không bị giới hạn bởi trần lãi suất mà do tổ chức tín dụng và khách hàng tự thỏa thuận. Riêng lãi suất huy động từ 6 tháng trở xuống, từ tháng 10/2014 đến nay đang được NHNN áp trần 5,5%.

Trước đó, thời điểm năm 2013, NHNN công bố giảm mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng tiền đồng của các tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 6%/năm.

Theo số liệu công bố của NHNN, hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,6-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến khác lại cho rằng cần tiếp tục duy trì trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, quy định mức lãi suất hợp lý để định hướng kỳ vọng lạm phát và đảm bảo tính linh hoạt áp dụng (lãi suất tại Việt Nam đang gánh vác nhiều trọng trách như kỳ vọng lạm phát, tăng trưởng GDP, hỗ trợ doanh nghiệp…).

Tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 1/11, trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Đình Cúc, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết NHNN hoàn toàn ủng hộ quan điểm của đại biểu về việc hướng tới nền kinh tế thị trường, giảm dần các biện pháp hành chính, đặc biệt là xác lập các lãi suất thị trường.

Chờ thời điểm thích hợp

Thống đốc NHNN cho biết năm 2011, thị trường có những diễn biến không thuận lợi đã ảnh hưởng khá mạnh đến ổn định an toàn kinh tế vĩ mô và hoạt động của hệ thống ngân hàng, nên NHNN đã áp dụng trần lãi suất tiền gửi đối với VND cho các kỳ hạn.

“Tuy nhiên, sau khi hoạt động thị trường đã thông suốt hơn, NHNN đã tiến hành dỡ bỏ quy định này. Hiện nay chỉ còn áp dụng trần lãi suất đối với tiền gửi VND kỳ hạn dưới 6 tháng”, Thống đốc nói.

Tư lệnh ngành ngân hàng cho rằng việc áp dụng trần lãi suất cũng có những cơ sở thực tiễn. Thứ nhất, cấu trúc và cơ chế thị trường tài chính ở Việt Nam chưa được hoàn thiện, trong bối cảnh thị trường vốn hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng vẫn là kênh chủ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế, cho nên việc sử dụng có chọn lọc với liều lượng và thời điểm phù hợp với các biện pháp hành chính vẫn là biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động thị trường tiền tệ.

Thứ hai, số lượng các tổ chức tín dụng của Việt Nam tương đối nhiều, nhưng chất lượng các tổ chức tín dụng chưa đồng đều, việc áp dụng trần lãi suất huy động dưới 6 tháng được duy trì và ấn định ở mức hợp lý và bám sát cung – cầu thị trường sẽ có tác dụng giữ ổn định và phát triển tiền tệ và cũng giữ được tâm lý kỳ vọng về lạm phát.

Thứ ba, hiện nay, ngành ngân hàng vẫn đang trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, nên việc duy trì trần lãi suất cũng là hỗ trợ cho thị trường tiền tệ.

Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: “Với kết quả hoạt động cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, việc áp dụng trần lãi suất cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhưng khi hệ thống tín dụng hoạt động tốt hơn, an toàn, lành mạnh hơn, NHNN sẽ tiếp tục xem xét dỡ bỏ những biện pháp không cần thiết”.