Bao giờ có thị trường mua bán nợ?

Theo Hồng Loan/daibieunhandan.vn

“Phát triển thị trường mua bán nợ, trước mắt là mua bán nợ xấu, rất cấp thiết đối với Việt Nam”, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực nói sáng qua trong hội thảo về cơ sở hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ. Sự thiếu vắng một thị trường mua bán nợ được cho là nút thắt chính trong công cuộc xử lý nợ xấu hiện nay. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn đang “nợ” khung pháp lý cho thị trường này.

Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: Internet
Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: Internet

Bức tranh u ám

Sáng qua, tại Hà Nội, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Luận cứ khoa học cho việc hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ của ngân hàng và doanh nghiệp - Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”. Nghiên cứu của PGS. TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho thấy thực trạng thị trường mua bán nợ ở Việt Nam có rất nhiều mảng màu u ám.

Đầu tiên, nếu như hàng hóa trên thị trường mua bán nợ của các nước rất đa dạng thì  “hàng hóa chủ yếu trên thị trường mua bán nợ ở Việt Nam là trái phiếu và các khoản nợ của khách hàng đối với các tổ chức tín dụng”, PGS. TS. Đào Văn Hùng cho biết.

Đã vậy, trái phiếu Chính phủ chiếm tới 90% tổng giá trị của thị trường trái phiếu, còn phần lớn trái phiếu doanh nghiệp là các trái phiếu không được niêm yết. Giá trị vốn hóa của thị trường thấp, chỉ chiếm khoảng 9% GDP theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.

Không những nghèo hàng hóa, các chủ thể tham gia thị trường còn rất hạn chế. Bên mua chỉ gồm Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC), và các công ty mua bán nợ của các tổ chức tín dụng (AMC).

Bên bán nợ có hai nhóm là các tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC hoặc AMC và các doanh nghiệp bán nợ cho DATC. Quy mô của các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu Việt Nam cũng rất nhỏ và chủ yếu là nhà đầu tư trong nước. Có rất ít quỹ đầu tư nước ngoài có mặt ở thị trường này, PGS.TS Đào Văn Hùng nhận xét.

Một thực tế nữa là Việt Nam vẫn đang thiếu các cơ quan định giá và định mức tín nhiệm một cách khách quan, chuyên nghiệp. Vì thế, việc định giá các khoản nợ xấu sao cho minh bạch, đúng giá trị thị trường để không dẫn đến hiện tượng tiêu cực, bị trục lợi trong khi bán cũng là một vấn đề gây “đau đầu”.

Đại diện VAMC - một chủ thể của thị trường mua bán nợ - cho biết thêm nhiều khó khăn khác. Chẳng hạn, thông tin về khoản nợ và tài sản bảo đảm thường thiếu minh bạch, hồ sơ lại phức tạp. Tổ chức tín dụng một mặt luôn yêu cầu giá bán không thấp hơn dư nợ gốc, một mặt có tâm lý che giấu nợ xấu. 

Không có thị trường mua bán nợ thành thử nợ xấu VAMC mua về không biết bán cho ai. Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 9 năm nay tổng số nợ xấu đã giảm khoảng 34 nghìn tỷ đồng nhưng đáng lo là nợ xấu nội bảng lại tăng 5,05%, tương đương gần 7.400 tỷ đồng.

Điểm yếu lớn nhất

Nhận thấy tầm quan trọng của thị trường mua bán nợ trong việc thúc đẩy xử lý nợ xấu, khi ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14, QH đã cho phép cho phép mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường và mở rộng đối tượng tham gia thị trường mua bán nợ xấu, gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ. Như vậy là ngoài VAMC, nguồn lực để xử lý nợ xấu được huy động từ toàn xã hội, miễn là có nguồn lực thật. 

Tuy nhiên, vào thời điểm QH ban hành Nghị quyết 42 (tháng 6/2017), có ý kiến cho rằng, sẽ là quá lạc quan nếu cho rằng một thị trường mua bán nợ sẽ được hình thành đầy đủ và hoạt động sôi động ngay sau đó.

Nhận định này hoàn toàn có cơ sở bởi lẽ việc phải thành lập thị trường mua bán nợ đã được nói rất nhiều trong thời gian qua nhưng cho đến giờ, khung pháp lý cho thị trường này mới chỉ “có một phần, chưa hoàn chỉnh và chưa đồng bộ”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận xét. PGS.TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng đây là điểm yếu rất lớn trong phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt Nam.

Ông cho biết, trên thực tế Việt Nam chưa xây dựng được khung pháp lý đủ mạnh để có tính răn đe trong việc yêu cầu doanh nghiệp minh bạch trong cung cấp thông tin và cũng chưa có khung pháp lý trong việc bảo vệ nhà đầu tư. Cả hai vị chuyên gia này đều nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, mà trước mắt và cần nhất là nghị định về thị trường mua bán nợ, để hình thành và có được một thị trường sôi động.

Theo quy định hiện hành, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý chịu trách nhiệm tạo nền tảng, cơ sở hạ tầng, quy chế… của việc thành lập thị trường mua bán nợ.

Cụ thể, Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 quy định: Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát theo thẩm quyền hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; hướng dẫn thi hành Nghị định 69.

Về phía NHNN có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát theo thẩm quyền hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ theo quy định của Nghị định 69 đối với AMC trực thuộc ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, cho đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa có động thái cơ bản nào cho việc ra đời thị trường mua bán nợ. Mới đây nhất, ngày 16/10 vừa qua, Bộ này ban hành Kế hoạch hành động triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” và đặt nhiệm vụ: “Nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua, bán nợ của các doanh nghiệp, về hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua, bán nợ”.

Theo đó, Vụ Tài chính - Ngân hàng được giao chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, tiến độ thực hiện trong 2 năm 2018 - 2019. Như vậy, câu hỏi “bao giờ có thị trường mua bán nợ” vẫn chưa được trả lời.