Bao giờ lãi suất điều hành có thể giảm thêm?
Trong bối cảnh lãi suất cho vay vẫn còn cao, các chuyên gia kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất chính sách từ giữa năm 2024, cộng với việc tỷ giá ổn hơn, lạm phát được kiểm soát thì có thể Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ hạ thêm lãi suất điều hành trong năm 2024.
Theo TS. Võ Trí Thành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện đang cố gắng giữ lãi suất điều hành, bởi áp lực tỷ giá vẫn còn.
Không thể để VND mất giá quá lớn
Trong cuộc họp gần đây, dù Fed đã giữ nguyên các mức lãi suất chính sách, song các chuyên gia nhận định từ nay đến cuối năm, việc NHNN hạ thêm lãi suất điều hành là rất khó do liên quan đến vấn đề tỷ giá.
“Chúng ta sẽ phải chấp nhận VND mất giá, song chỉ ở mức độ nhất định, không thể để mất giá quá lớn”, TS. Võ Trí Thành nói.
Tại Tọa đàm “Báo cáo kết quả điều tra kỳ vọng lạm phát quý IV/2023 và kiến nghị giải pháp kiểm soát lạm phát trong thời gian tới" mới đây, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, chưa bao giờ lãi suất ngắn hạn của đồng USD lại cao hơn lãi suất VND như trong năm 2023, tạo sức ép lớn lên tỷ giá giữa VND và USD. Trong bối cảnh đó, việc vừa phải giảm mạnh lãi suất VND nhằm hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, vừa phải điều hành tỷ giá USD/VND linh hoạt, hài hòa trong tầm kiểm soát, vừa phải đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu lạm phát là những nhiệm vụ vô cùng khó khăn đặt ra cho Chính phủ và NHNN.
Riêng với lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 2-2,5%/năm so với đầu năm. Mức giảm này vượt quá kỳ vọng của NHNN đặt ra đầu năm nay song vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.
Ước tính trong khoảng một tháng trở lại đây đã có trên 20 ngân hàng giảm lãi suất huy động, là cơ sở để tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay.
Dù vậy, TS. Võ Trí Thành cho rằng các ngân hàng thương mại huy động tiền gửi với lãi suất rất cao hồi cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nên nếu hạ nhanh lãi suất cho vay thì sẽ lỗ nặng.
Vấn đề này cũng được ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB chia sẻ: “Dự kiến sang đến hết quý I/2024, các khoản tiền gửi tiết kiệm có mức lãi suất cao mới đến kỳ đáo hạn”.
Lãnh đạo các nhà băng cũng cho biết, mỗi ngân hàng đều có tệp khách hàng riêng, có khẩu vị riêng và có gói tín dụng ưu đãi với từng nhóm khách hàng ưu tiên của mình. Đồng thời, ngân hàng thực hiện rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng. Tuy nhiên, nhu cầu vốn của doanh nghiệp chưa cao khi đầu ra sản phẩm không có do sức tiêu thụ của thị trường yếu.
Theo ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp của HDBank, lãi suất cho vay hiện nay đã thấp hơn quý trước, song các ngân hàng vẫn vất vả tìm khách hàng tốt để cho vay.
“Các ngân hàng phải bỏ công sức nhiều hơn để tìm doanh nghiệp tốt trong giai đoạn hiện tại. HDBank có những chương trình cho vay hấp dẫn dành cho khách hàng, lãi suất thấp hơn cả so với lãi suất huy động. Những nhà cung ứng cho doanh nghiệp mua hàng có sức khỏe tốt sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi”, ông Phương cho hay.
Lý giải về việc ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận vốn, ông Phương lưu ý doanh nghiệp nên tránh 3 điều để tạo niềm tin cho ngân hàng. Đầu tiên là không nên mất cân đối tài chính, “không lấy vốn ngắn hạn để sống trong dài hạn”; Thứ hai là không nên để nợ quá hạn; Thứ ba là vòng quay vốn không dài.
Cần trợ lực để tín dụng được khơi thông
Trong bối cảnh lãi suất cho vay vẫn còn cao, ông Thành hy vọng Fed sẽ giảm lãi suất điều hành từ giữa năm 2024, hệ thống ngân hàng trong nước ổn hơn một chút thì có thể NHNN sẽ hạ lãi suất điều hành thêm chút nữa.
Đáng chú ý, tại một báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng, Chứng khoán Yuanta dự báo NHNN có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
Trong khi đó, Bộ phận Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB lại nhận định việc tiếp tục cắt giảm lãi suất của NHNN trong quý IV/2023 vẫn bị chi phối bởi các yếu tố chưa chắc chắn.
Theo ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng giám đốc ABBank, mặt bằng lãi suất cho vay có khả năng tiếp tục giảm thêm 1-1,5%/năm trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây chỉ là một khía cạnh để kích cầu tín dụng, nên cần đến các trợ lực khác, như chính sách tài khóa, chính sách đầu tư...
Bên cạnh đó, cần kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện đầu tư công. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại ở trong nước và quốc tế, nhằm kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhà mua hàng; quảng bá sản phẩm, duy trì thị trường truyền thống, khai mở thị trường mới cho xuất khẩu.
Cũng cho rằng để tín dụng được “khơi thông” thì tổng cầu của nền kinh tế phải tăng lên, dòng tiền phải luân chuyển, ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng phân tích: “Tết dương lịch và âm lịch cận kề, nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên khiến các doanh nghiệp cần có vốn tích trữ nguyên liệu đầu vào đón đầu dịp Tết, có thể tín dụng sẽ tăng".
Song song với giảm lãi suất, một số ngân hàng cũng đã miễn giảm thêm phí dịch vụ, hoặc tăng hạn mức cho vay tín chấp, không tài sản đảm bảo, để có thể thu hút được các khách hàng tốt tới vay vốn.