Bảo hiểm bảo lãnh ở Việt Nam: Vẫn còn rộng cửa
Trên thị trường bảo hiểm hiện có 7 trong tổng số 30 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài (SGI) đăng ký kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 01 DNBH trong nước và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài phát sinh doanh thu phí nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh. Theo các chuyên gia bảo hiểm, bảo hiểm bảo lãnh ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng và triển vọng phát triển trong tương lai.
Chỉ mới có 2 doanh nghiệp phát sinh doanh thu phí nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh
Tại Việt Nam, nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh thuộc danh mục nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ được quy định lần đầu tại Nghị định 68/2014/NĐ-CP ngày 9/7/2014 của Chính phủ (hiện nay được thay thế bằng Nghị định 73/2016/NĐ-CP). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các DNBH triển khai nghiệp vụ này; đồng thời là tiền đề để thực hiện mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2020 của Bộ Tài chính.
Hiện nay, nghiệp vụ bảo lãnh vẫn chủ yếu do các ngân hàng thương mại thực hiện, các DNBH mới chỉ thực hiện ở mức khiêm tốn. Theo số liệu thống kê của các Ngân hàng thương mại Việt Nam và Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam công bố, tổng quy mô phí bảo lãnh toàn thị trường Việt Nam ước đạt khoảng 5.832 tỷ đồng, trong đó các ngân hàng thương mại vẫn là kênh chi phối gần như tuyệt đối với thị phần khoảng 99,5%, các DNBH chỉ chiếm khoảng 0,5% thị phần.
Trong khi đó, theo thống kê sơ bộ, trên thị trường bảo hiểm có 7/30 DNBH phi nhân thọ là Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, BIC, Bảo Việt Tokio Marine, MSIG, VBI và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài (SGI) đăng ký kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có SGI và BIC phát sinh doanh thu phí nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh. Năm 2017, doanh thu phí bảo hiểm gốc nghiệp vụ này đạt 28 tỷ đồng (trong đó SGI là 25,3 tỷ đồng, BIC là 2,7 tỷ đồng), chiếm 0,07% tổng phí bảo hiểm toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ và tăng 5,6% so với năm 2016. Đến hết tháng 9 năm 2018, doanh thu phí bảo hiểm gốc nghiệp vụ này đạt 31,2 tỷ đồng (trong đó SGI là 30 tỷ đồng, BIC là 1,2 tỷ đồng), chiếm 0,09% tổng phí bảo hiểm toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2017.
Triển vọng to lớn
Trong khi ở các nước phát triển, các sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh đa dạng, phí bảo hiểm bảo lãnh chiếm từ khoảng 1,5-2% trên tổng phí bảo hiểm phi nhân thọ, thì tỷ lệ này ở Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 0,09%. Điều đó cho thấy tiềm năng để mở rộng, phát triển bảo hiểm bảo lãnh ở Việt Nam còn rất lớn.
Cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, đầu tư phát triển và đầu tư công cũng tăng cao; các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục được triển khai, do đó nhu cầu bảo lãnh triển khai thực hiện các dự án cũng sẽ tiếp tục tăng. Vì vậy, các DNBH hoàn toàn có cơ hội để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh để đảm bảo cho các hoạt động đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã thông qua Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO vào ngày 15/12/2015 và góp phần đưa Hiệp định chính thức đi vào hiệu lực từ ngày 22/2/2017, sau khi có 112 nước thành viên thông qua Hiệp định. Việc tham gia Hiệp định tạo thuận lợi thương mại đã khẳng định những cam kết của Việt Nam trong việc đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo thuận lợi cho thương mại, kinh tế phát triển. Bảo lãnh thông quan là cơ chế tạo thuận lợi thương mại được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới trong các giao dịch thương mại qua biên giới. Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu tính khả thi của việc áp dụng Hệ thống bảo lãnh thông quan tại Việt Nam. Thời gian tới, khi áp dụng bảo lãnh thông quan, đơn vị phát hành bảo lãnh thuế quan được xem xét, mở rộng cho các DNBH thực hiện. Đây cũng sẽ là cơ hội cho phát triển bảo hiểm bảo lãnh trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Các sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh đang cung cấp trên thị trường Việt Nam hiện nay gồm bảo hiểm bảo lãnh lòng trung thành, bảo hiểm bảo lãnh tính pháp lý (như sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh nộp thuế, xin cấp phép, bảo lãnh đặt cọc tại tòa...), bảo hiểm bảo lãnh nghĩa vụ thực hiện (như sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh dự thầu, thực hiện hợp đồng, ứng trước, bảo lãnh...), bảo hiểm bảo lãnh tín dụng.