Thời đại của bảo hiểm hưu trí tự nguyện

Theo Hoàng Hoa/congthuong.vn

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện là loại hình được đông đảo người lao động trên thế giới lựa chọn nhằm đảm bảo an toàn về tài chính khi hết tuổi lao động. Việt Nam đã và đang có những động thái tích cực để đi cùng xu thế chung với quốc tế.

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện là loại hình được đông đảo người lao động trên thế giới lựa chọn. Nguồn: Internet
Bảo hiểm hưu trí tự nguyện là loại hình được đông đảo người lao động trên thế giới lựa chọn. Nguồn: Internet

Xu thế chung: Hưu trí đa tầng

Ngay cả ở những quốc gia có hệ thống an sinh xã hội rất tốt thì người dân cũng luôn chủ động với các kế hoạch tài chính “đa tầng” để đảm bảo cuộc sống cho mình đến cuối hành trình.

Ở Mỹ, người về hưu có 3 nguồn thu nhập. Một là từ nguồn bảo hiểm hưu trí (bắt buộc) với tỷ lệ đóng là 6,2%. Hai là từ bảo hiểm hưu trí tự nguyện do doanh nghiệp tổ chức dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên và được đưa vào thỏa ước lao động hoặc hợp đồng lao động. Ba là tiết kiệm hưu trí cá nhân, được hình thành trên cơ sở người lao động mở một tài khoản riêng và đóng tiền vào.

Tại Canada - một trong những quốc gia được xem là đáng sống nhất trên thế giới, hệ thống hưu trí bao gồm “ba trụ cột” gồm quỹ an sinh người cao tuổi (OAS), kế hoạch hưu trí của Canada (CPP) và kế hoạch hưu trí Quebec (QPP), ngoài ra còn có các khoản trợ cấp tự nguyện như RRSP. Người về hưu ở Canada còn có tài sản bên ngoài quỹ hưu trí chính thức và mạng lưới hỗ trợ của gia đình và bạn bè.

Còn tại Pháp, lương hưu cơ bản chiếm 20-25%, còn lương hưu từ hưu trí tự nguyện chiếm 55-60% nguồn thu nhập hưu trí.

Từ số liệu của công ty nghiên cứu và tư vấn quốc tế Willis Towers Watson, tính đến đầu năm 2017, có 300 quỹ hưu trí lớn nhất thế giới, quản lý một lượng tiền hơn 15 nghìn tỷ USD. Trong đó, Mỹ là nước dẫn đầu về số lượng quỹ, Anh xếp thứ hai, Canada xếp thứ ba.

Hiện nay, một số nước, lãnh thổ khu vực Châu Á như: Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông... đều đẩy mạnh xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng góp phần mang lại các lợi ích cụ thể cho chính quyền, người lao động và người sử dụng lao động. Đối với người lao động, bảo hiểm hưu trí tự nguyện giúp cải thiện khả năng tài chính để có cuộc sống tốt hơn sau khi về hưu cũng như chủ động đối phó với các rủi ro phát sinh. Đối với doanh nghiệp, loại hình bảo hiểm này thể hiện được chính sách đãi ngộ, quan tâm tới người lao động.

Có thể thấy, Mỹ, Pháp, Canada hay các nước trong khu vực Châu Á kể trên đều là những nước phát triển và có chính sách phúc lợi xã hội rất tốt nhưng người dân vẫn tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho thấy sự cần thiết của loại hình bảo hiểm này và gần như nó đã trở thành xu thế tất yếu của thế giới.

Việt Nam có đang theo kịp xu thế chung?

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện kết hợp giữa quyền lợi hưu trí và quyền lợi bảo hiểm rủi ro, được hoạt động theo cơ chế “đóng-hưởng”, người lao động và doanh nghiệp có thể thỏa thuận mức đóng góp để đạt được quyền lợi hưu trí sau khi nghỉ hưu theo mong muốn mà không bị ràng buộc mức đóng cố định và thời gian đóng tối thiểu. Thậm chí, đối với những người lao động không có mức lương cao hoặc bị gián đoạn do chuyển việc thì vẫn có thể nhận quyền lợi hưu trí tốt nếu tự xây dựng và đóng góp cho kế hoạch hưu trí của mình.

Bên cạnh quyền lợi hưu trí, người lao động còn được nhận thêm quyền lợi bảo hiểm rủi ro trong thời hạn tích lũy giá trị tài khoản hưu trí. Tùy theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người lao động, quyền lợi bảo hiểm rủi ro cơ bản bao gồm quyền lợi trợ cấp mai táng và quyền lợi bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn.

Ở Việt Nam, đa phần người lao động chỉ có lương hưu của bảo hiểm xã hội là nguồn thu nhập duy nhất khi về già. Chưa kể với những lao động tự do thì bảo hiểm hưu trí khi về già vẫn còn là một “khoảng trống” mênh mông. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, năm 2017 cả nước mới chỉ đạt gần 29% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, 70% chưa tham gia. Điều này có nghĩa khoảng 70% người lao động không có nguồn thu nhập khi hết tuổi làm việc.

Trước thực trạng đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 115/2013/TT-BTC về việc hướng dẫn Bảo hiểm hưu trí và Quỹ hưu trí tự nguyện áp dụng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại Việt Nam. Thông tư được đánh giá là cơ sở hành lang pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển loại hình bảo hiểm hưu trí tự nguyện.

Sản phẩm bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp nhằm bổ sung thu nhập cho người được bảo hiểm khi hết tuổi lao động. Doanh nghiệp sẽ thuận lợi về thuế thu nhập doanh nghiệp khi mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động (được đưa vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 36 triệu đồng/năm/người lao động, trong khi đó, người lao động sẽ được khấu trừ khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân lên đến 12 triệu đồng/năm).

Rõ ràng, bảo hiểm hưu trí tự nguyện đang là một trong những xu hướng đáng ghi nhận trong nỗ lực đưa ra một giải pháp tài chính lâu dài, bền vững. Và việc tập trung phát triển một hệ thống an sinh xã hội- hưu trí đa tầng, cụ thể là bảo hiểm hưu trí tự nguyện được xem là một ưu tiên góp phần đưa Việt Nam bắt kịp xu thế chung trên thế giới.

Hiện nay, trên thị trường đang có 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Trong đó, Sun Life Việt Nam là đơn vị tiên phong và dẫn đầu trong việc triển khai chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện, mang đến những lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp và người lao động, xây dựng môi trường làm việc gắn kết, lâu bền.

Sau gần 5 năm hoạt động, tính đến nay tổng giá trị tài sản quản lý của Quỹ hưu trí Sun Life Việt Nam lên đến hơn 1.315 tỷ đồng. Bảo hiểm hưu trí, tiếp tục là một trong những thế mạnh trong chiến lược phát triển sản phẩm tại thị trường bảo hiểm Việt Nam của Sun Life.