Bảo hiểm bắt buộc và những điểm cơ bản cần lưu ý
Bảo hiểm bắt buộc là loại hình bảo hiểm mà người được bảo hiểm và người bảo hiểm có nghĩa vụ phải thực hiện bảo hiểm cho đối tượng bảo hiểm thuộc diện pháp luật quy định phải bảo hiểm, hai bên không được tự ý thay đổi.
Vì sao bắt buộc các chủ xe phải mua?
Theo hình thức bảo hiểm này không căn cứ khả năng tài chính của người được bảo hiểm, không tính đến đặc điểm cụ thể của tài sản được bảo hiểm, mức các nguy cơ tổn thất có thể xảy ra và thường áp dụng một mức bảo hiểm cố định, coi đó là mức bảo hiểm tối thiểu, ít khi đánh giá từng tài sản được bảo hiểm.
Đối tượng bảo hiểm thuộc diện pháp luật quy định phải bảo hiểm là tài sản, trách nhiệm dân sự của tổ chức, cá nhân khi bị rủi ro xâm hại thì làm phát sinh hậu quả liên quan đến lợi ích của cộng đồng xã hội. Bảo hiểm bắt buộc đầu tiên xuất hiện ở các nước như Đức, Thụy Sĩ, Ba Lan đối với tài sản, dịch vụ, gia súc. Từ cuộc khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản lần thứ nhất (1929 - 1933), nhiều nước Tây Âu và Mỹ áp dụng bảo hiểm bắt buộc đối với một số tài sản như ôtô, bảo hiểm trách nhiệm thanh toán tiền gửi ở ngân hàng...
Theo chế độ bảo hiểm bắt buộc, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm và điều kiện bảo hiểm do pháp luật quy định. Thông thường, pháp luật quy định các mức phí bảo hiểm để người tham gia bảo hiểm lựa chọn từ mức tối thiểu trở lên.
Theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 của Việt Nam, bảo hiểm bắt buộc chỉ áp dụng đối với một số loại bảo hiểm nhằm bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội.
Đối với ôtô, xe máy khi giao thông trên đường, luật quy định chủ xe phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Mức bảo hiểm lên đến 100 triệu đồng/người/vụ
Từ thực tế trên, từ tháng 9/2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và đến nay đã trải qua một số lần sửa đổi.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là loại hình mà các cá nhân hoặc doanh nghiệp phải mua theo luật định và được xem là chính sách an sinh xã hội của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra, mặt khác giúp bảo vệ tài chính cho chủ xe cơ giới trước những rủi ro bất ngờ.
Theo quy định khi xảy ra rủi ro, tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm, đơn vị bảo hiểm có thể sẽ bồi thường cho chủ xe phần trách nhiệm dân sự này với mức trách nhiệm lên đến 100 triệu đồng/1 người/vụ.
Trong trường hợp không xác định được xe gây tai nạn hoặc tai nạn không thuộc phạm vi bảo hiểm cũng sẽ được hỗ trợ bồi thường nhân đạo cho nạn nhân số tiền lên đến 20 triệu đồng/1 người.
Quy định này đã hỗ trợ phần nào khó khăn về mặt tài chính cho chủ xe cũng như gia đình nạn nhân, chứng minh được tính ưu việt của chính sách trong thời gian qua. Thủ tục bồi thường đơn giản để người bị thiệt hại xác định được mức chi trả.
Bạn đã tham gia bảo hiểm bắt buộc chưa?
Theo thống kê, tính đến cuối năm 2019 cả nước đã có gần 60 triệu xe môtô, xe máy, tăng gần 80% so với năm 2011.
Bùng nổ xe máy mang đến nhiều hệ lụy, kéo theo tỷ lệ tai nạn giao thông không ngừng tăng lên, đẩy nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần… tăng gánh nặng chăm sóc sức khỏe lên toàn xã hội cũng như đẩy lùi sự phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, số lượng xe tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới chỉ khoảng 40%, tức hiện nay có tới 36 triệu xe gắn máy không thực hiện nghĩa vụ này.
Để đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, ngoài việc tuyên tuyền để người dân nhận thức và tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đầy đủ, Chính phủ cũng quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Theo đó, Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là một trong những loại giấy tờ mà người điều khiển ôtô, xe máy… phải mang theo bên mình khi tham gia giao thông.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nếu chủ xe không mang theo Giấy chứng nhận hoặc giấy không còn hiệu lực sẽ bị phạt từ 100.000đ đến 200.000đ; ôtô từ 400.000đ đến 600.000đ.
Rõ ràng, việc tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự là vô cùng cần thiết và mang lại lợi ích thiết thực cho chủ xe cũng như xã hội.
Đây cũng là cách tốt nhất để thể hiện chủ xe là công dân gương mẫu tuân thủ luật pháp, vừa tránh được các khoản phạt khi tham gia lưu thông trên đường, và đặc biệt là bảo vệ bản thân trước các rủi ro tài chính, đảm bảo nghĩa vụ khắc phục hậu quả nếu điều không may xảy đến.
Mức phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới hiện nay chỉ ở mức 60.000 đồng/năm đối với xe máy và từ 437.000 đồng/năm trở lên đối với ôtô tùy theo mục đích sử dụng xe.
Mức phí không cao và sản phẩm có thể được mua dễ dàng tại các công ty bảo hiểm, mua trực tuyến hoặc ở các đại lý ôtô, xe máy…, vì vậy nếu chưa có các chủ xe cần tham gia ngay từ hôm nay để luôn an tâm vì được bảo vệ trước các rủi ro không lường trước có thể xảy ra.
Chính phủ đưa bảo hiểm TNDS của chủ xe thành loại hình bắt buộc nhằm giúp chủ xe và nạn nhân có một quỹ tài chính để bình ổn cho thiệt hại.
Quỹ Bảo hiểm Xe cơ giới hỗ trợ tài chính cho nạn nhân tai nạn giao thông
Ngoài những tình huống mà nạn nhân được bồi thường do xe xác định được xe gây ra tai nạn, chính phủ giao cho Quỹ Bảo hiểm Xe cơ giới thay mặt hỗ trợ nạn nhân trong tình huống bị tử vong do tai nạn giao thông. Trong một số trường hợp, nạn nhân có thể nhận được sự hỗ trợ tài chính nhân đạo với mức 20 triệu đồng/người:
- Không xác định được xe cơ giới gây tai nạn.
- Xe gây tai nạn không tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.
- Xe gây tai nạn tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới nhưng không được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường vì bị loại trừ bảo hiểm theo quy định của pháp luật, chẳng hạn như lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy, lái xe không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có giấy phép lái xe...
Vì vậy, chủ xe hay nạn nhân có thể gọi đến văn phòng của Quỹ Bảo hiểm Xe cơ giới, điện thoại 024 3941 2063 hoặc đường dây nóng 0967 235 155 để được tham vấn và hỗ trợ kịp thời nhất.
Quỹ Bảo hiểm Xe cơ giới do các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ kinh doanh bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đóng góp hàng năm theo quy định của Chính phủ, được Bộ Tài chính giao Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam quản lý kể từ năm 2009.