Sẽ kiểm tra liên ngành về bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới


Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công an, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, Uỷ ban Quốc gia về An toàn giao thông và các cơ quan báo chí thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình triển khai bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, kịp thời phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính các doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm quy định.

Toàn cảnh buổi họp báo. Nguồn: internet
Toàn cảnh buổi họp báo. Nguồn: internet

Đó là thông tin được ông Phùng Ngọc Khánh – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết tại cuộc họp báo về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) chủ xe cơ giới do Bộ Tài chính tổ chức sáng ngày 22/5/2020.

Phải tuân thủ đúng quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm

Thời gian gần đây, báo chí đăng nhiều bài phản ánh tình trạng bán bảo hiểm bắt buộc TNDS xe máy không tuân thủ đúng quy định pháp luật (đại lý giảm giá, chiết khấu 30% cho khách hàng, thời hạn bảo hiểm xe máy 2 năm, công ty bảo hiểm từ chối bồi thường đối với bảo hiểm “vỉa hè”, bảo hiểm xe máy bán với giá 20.000 đồng/năm); bên cạnh đó, hồ sơ bồi thường bảo hiểm còn có những khó khăn.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của pháp luật kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) được quyền chủ động bán sản phẩm bảo hiểm dưới các hình thức: Trực tiếp; Thông qua đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm; Thông qua đấu thầu; Thông qua giao dịch điện tử; Các hình thức khác phù hợp với quy định pháp luật. Trong đó, để làm đại lý, cá nhân phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định, bao gồm có chứng chỉ đạo tào đại lý bảo hiểm và phải ký hợp đồng đại lý với DNBH.

Như vậy, pháp luật hiện hành đã có quy định về hình thức bán sản phẩm bảo hiểm (bao gồm cả sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới), điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm. Việc người dân có thể mua bảo hiểm từ công ty tới vỉa hè là phụ thuộc vào hình thức bán sản phẩm bảo hiểm của từng DNBH.

Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 về chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới quy định, chủ xe cơ giới và DNBH tham gia bán bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới phải tuân thủ theo đúng quy tắc, điều khoản, biểu phí do Bộ tài chính.

Trên thực tế, ngoài việc tham gia hợp đồng bảo hiểm TNDS bắt buộc, chủ xe cơ giới có thể thỏa thuận với DNBH để tham gia hợp đồng bảo hiểm tự nguyện về trách nhiệm đối với người ngồi trên xe (không phải lái xe). Phí bảo hiểm đối với bảo hiểm tự nguyện này là 10.000 đồng/người/năm, xe máy được chở tối đa 2 người có giá 20.000 đồng/2 người/năm, tương ứng với mức trách nhiệm bảo hiểm là 10 triệu đồng/người/vụ. Theo quy định hiện hành, DNBH được chủ động xây dựng, triển khai các sản phẩm bảo hiểm tự nguyện phù hợp với quy định pháp luật kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật có liên quan.

Trường hợp có bằng chứng chứng minh doanh nghiệp bảo hiểm cho phép đại lý giảm giá các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị xem xét, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ.

Kiểm tra, xử phạt các doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm

Ngay khi nhận được phản ánh của một số cơ quan báo chí, Bộ Tài chính đã có Công văn số 189/QLBH-PNT ngày 20/5/2020 yêu cầu các DNBH chủ động kiểm tra, rà soát việc triển khai bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới trong toàn hệ thống, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm tiến hành chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Phùng Ngọc Khánh cho biết, Bộ Tài chính sẽ giám sát theo dõi, cập nhật tình hình triển khai bán bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các DNBH. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công an, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về An toàn giao thông và các cơ quan báo chí thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình triển khai bán bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới, kịp thời phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính các DNBH vi phạm quy định.

Để giải quyết tình trạng vừa qua và mang tính chất lâu dài, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Ủy ban Quốc gia về An toàn giao thông, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các DNBH xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP nhằm hoàn thiện chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Cục sẽ làm việc với các đơn vị liên quan, DNBH tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm rõ được chính sách, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm bắt buộc TNDS xe cơ giới, từ đó, chủ động và tích cực tham gia. Qua đó, góp phần đảm bảo phát huy tính nhân văn của loại bảo hiểm này là bảo vệ tài chính cho các nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông đường bộ thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản, ngay cả khi không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm hoặc tai nạn không thuộc phạm vi bảo hiểm.