Bảo hiểm Đông Nam Á thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng thông qua quỹ đầu tư thay thế

PV.

Hội Đồng Bảo Hiểm Đông Nam Á khuyến khích ngành bảo hiểm trong khu vực nắm bắt cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua quan hệ hợp tác chặt chẽ và cùng có lợi giữa nhà nước và tư nhân.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos, Hội Đồng Bảo Hiểm Đông Nam Á (AIC) đã kêu gọi các bên liên quan của ngành trong khu vực hoạt động tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và khu vực bằng cách tài trợ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng thông qua quan hệ hợp tác nhà nước và tư nhân.

Theo dự báo, việc phát triển cơ sở hạ tầng sẽ cần số vốn đầu tư ước tính khoảng 3,1 nghìn tỉ USD vào năm 2030. Bà Evelina Pietruschka, Tổng Thư Kí AIC cho biết bà hoàn toàn tin tưởng ngành bảo hiểm tại Đông Nam Á có thể đóng vai trò quan trọng để đạt được con số đó.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính Đông Nam Á sẽ cần được đầu tư thêm 60 tỉ USD hằng năm để thu hẹp khoản cách đầu tư cơ sở hạ tầng hiện tại. Đây là con số rất lớn để chính phủ có thể tự thân tài trợ. Ngành bảo hiểm Đông Nam Á đang ở một vị thế hoàn hảo để đáp ứng nhu cầu này thông qua sự hợp tác cải tiến giữa nhà nước và tư nhân trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng.

AIC tin rằng chúng ta có thể định hình tương lai các quốc gia và khu vực bằng cách đầu tư vào các quỹ phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng, góp phần thực hiện Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững (SDG).

Với dân số hơn 630 triệu dân, cùng với tình hình đô thị hóa và tầng lớp trung lưu phát triển thịnh vượng, chính phủ sẽ cần hợp tác với các doanh nghiệp để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trong lĩnh vực vận tải, y tế, năng lượng, thực phẩm và giáo dục.

Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong các thập kỉ vừa qua, Ngân hàng Đầu tư châu Á (ADB) ước tính khu vực vẫn đang còn 400 triệu dân đang thiếu hoặc thậm chí không có điện, 300 triệu dân không có nước uống sạch và gần 1 tỷ dân không có nhà vệ sinh công cộng cơ bản.

Trên thế giới, các công ty bảo hiểm hiện tại chỉ đang chiếm và quản lý 2% tài sản trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, với phí bảo hiểm tại Đông Nam Á đang tăng trưởng ở tỉ lệ 13% trung bình thường niên từ năm 2004 đến năm 2014 (gấp 3 lần tỉ lệ trung bình toàn cầu) thì tiềm năng phân bổ đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội rất lớn.

Một nghiên cứu của công ty tư vấn toàn cầu PricewaterhouseCoopers về chủ đề Am Hiểu Cơ Hội Cơ Sở Hạ Tầng ở Đông Nam Á đã phân tích tình hình đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực này và kết luận có một sự tương quan trực tiếp và tích cự giữa đầu tư cơ sở hạ tầng và tăng trưởng GDP. Theo bà Evelina Pietrushka, bàn đạp cho đà tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững là triển vọng để các công ty bảo hiểm và các quốc gia Đông Nam Á đều có lợi.

“Sự hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng giữa nhà nước và tư nhân mang lại phương pháp cải tiến để làm rõ những lợi ích đáng kể cho các công ty bảo hiểm ở Đông Nam Á. Những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lâu dài không chỉ tạo ra sự hoàn thiện cho khung thời gian đầu tư của ngành, mà còn giúp kích thích tăng trưởng kinh tế quốc gia và khu vực. Ngoài ra, Việc các công ty bảo hiểm trong nước sử dụng đồng nội tệ của để tài trợ cho các khoản đầu tư này cũng là một lợi ích to lớn đối với sự biến động tiền tệ và mức nợ quốc gia,” bà Evelina cho biết.

Cũng theo bà Evelina, AIC tin rằng việc xây dựng mối quan hệ có lợi giữa nhà nước và tư nhân để đầu tư cơ sở hạ tầng bắt đầu từ mục tiêu chung là cải thiện chất lượng sống cho người dân. Để nhấn mạnh những lợi ích của phương pháp tài chính này và tăng cường đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp Đông Nam Á, AIC đã lên kế hoạch làm cầu nối thúc đẩy cuộc hội đàm giữa các nước trong khu vực và các công ty bảo hiểm địa phương.

AIC được thành lập vào năm 2003 sau khi nhận được sự đồng thuận từ Cuộc họp Hội đồng 10 nước Đông Nam Á tại Hà Nội. Mục tiêu của Hội đồng CIA là hỗ trợ sự phát triển của bảo hiểm và tái bảo hiểm, khuyến khích hợp tác và thúc đẩy ngành bảo hiểm ở khu vực. Ngày nay, sứ mệnh này đã tạo ra khuôn khổ để AIC nhấn mạnh những cơ hội cho các công ty bảo hiểm từ việc tạo ra các quỹ đầu tư có ảnh hưởng và giúp khu vực phát triển lớn mạnh hơn. Điều đó bao gồm việc cung cấp những lựa chọn tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia.