Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam kỳ vọng “đến hồi thái lai”
Trải qua những biến động khó khăn của nền kinh tế nói chung và thị trường bảo hiểm nhân thọ riêng, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp bảo hiểm đã nhìn nhận lại để “tự sửa” và hoàn thiện các giải pháp hướng tới mục tiêu phát tăng trưởng dài hạn, phát triển bền vững.
Chủ động hoàn thiện để phát triển
Đi qua năm 2023, thị trường bảo hiểm nhân thọ phải đối diện với không ít khó khăn về truyền thông, khủng hoảng niềm tin khách hàng, sụt giảm doanh thu và dịch chuyển nhân sự trong bối cảnh chung là nền kinh tế toàn cầu ảnh hưởng trong nước.
Thực tế, một năm qua, trong khi cùng lúc hứng chịu suy thoái kinh tế và khủng hoảng niềm tin, các doanh nghiệp nhân thọ đã nỗ lực rất nhiều để chính sửa và thay đổi quy trình hoạt động cũng như sản phẩm, dịch vụ theo hướng phục vụ tốt và tốt hơn nữa cho các khách hàng, cho dù biết đây không phải là công việc có thể hoàn thành trong “một sớm, một chiều”.
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng và tuân thủ các quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã triển khai ghi âm/ghi hình trực tuyến quá trình tư vấn bảo hiểm cho cả 2 kênh đại lý truyền thống và kênh phân phối mở rộng.
Ông Ngô Trung Dũng – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, các doanh nghiệp bảo hiểm đã hành động ngay lập tức dựa trên diễn biến thị trường, thay vì chỉ “ngồi đó” và chờ đợi kết luận từ cấp quản lý. Ngay sau khi khách hàng có khiếu nại (trong vòng 24 tiếng), các công ty bảo hiểm nhân thọ đã rà soát hợp đồng của khách hàng, nhanh chóng đưa ra các giải pháp phù hợp và có bước “tư vấn lại, giải thích thêm” cặn kẽ các thông tin mà khách hàng chất vấn. Các hotline giải quyết khiếu nại được công bố rộng rãi.
Đối với đại lý vi phạm, theo báo cáo nhanh của 4 doanh nghiệp, tất cả các đại lý bảo hiểm vi phạm kết luận thanh tra đều đã được xử lý ngay từ lúc phát hiện, không chờ đến khi công bố kết luận. Có doanh nghiệp đã chủ động làm việc ngay với đối tác ngân hàng để chấn chỉnh những sai sót từ phía ngân hàng, trong đó có việc thành lập cơ quan quản lý chuẩn mực ứng xử khách hàng với thành viên của cả hai bên.
Quá trình rà soát, điều chỉnh sẽ diễn ra liên tục như một chiến lược tại các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm thúc đẩy thị trường lành mạnh, nâng chất lượng mọi khâu, đảm bảo quyền lợi cao nhất của khách hàng.
Từng bước hồi phục, lấy lại đà tăng
Theo thông tin từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong năm 2024, ngành Bảo hiểm đặt mục tiêu tổng tài sản ước đạt 1.004.421 tỷ đồng, tăng 9,97% so với năm trước; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 850.264 tỷ đồng, tăng 11,51%.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 243.472 tỷ đồng, tăng 7,19% so với năm 2023, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 79.687 tỷ đồng (tăng 12%) và lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 163.785 tỷ đồng (tăng 5%). Các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 110.043 tỷ đồng, tăng 27,4% so với năm 2022, trong đó khối phi nhân thọ ước đạt 25.584 tỷ đồng và khối nhân thọ ước đạt 84.459 tỷ đồng.
Trong các mục tiêu trên, việc đưa ngành Bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng dương trở lại trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn là một thách thức không hề nhỏ. Theo Cục quản lý và giám sát bảo hiểm, áp lực và thách thức là rất lớn, nhưng với các chủ trương, chính sách kịp thời, đúng đắn của Chính phủ trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế; sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính cùng sự phối hợp hỗ trợ của nhiều bộ, ngành, cơ quan có liên quan; sự quyết tâm, nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm và đặc biệt là sự cảm thông, chia sẻ của khách hàng, thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung, lĩnh vực nhân thọ nói riêng đang từng bước thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm tiếp tục được hoàn thiện. Theo đó, sau hơn 20 năm, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã được Quốc hội thông qua năm 2022 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, cùng với đó là một loạt văn bản hướng dẫn Luật đã được ban hành trong năm qua.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho ngành Bảo hiểm, trong đó đã số hóa tất cả các loại báo cáo của doanh nghiệp gửi lên Bộ Tài chính. Dù vậy, đây mới là bước đầu trong kế hoạch và theo Lãnh đạo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục tập trung xây dựng một hệ thống chung cho thị trường bảo hiểm, bao gồm nhiều thông tin, chỉ tiêu báo cáo hơn nữa để phục vụ cho công tác quản lý, giám sát, phòng chống trục lợi, chống rửa tiền… và cái quan trọng nhất khi có hệ thống chung là phục vụ mục tiêu tính phí bảo hiểm.
Trong năm 2024, dù tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhưng Việt Nam vẫn là một thị trường đầy tiềm năng vì tỷ lệ người dân được bảo vệ bằng hợp đồng bảo hiểm còn rất khiêm tốn. Hơn nữa, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi lớn, đặc biệt là Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030 mới được Chính phủ phê duyệt, sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian tới.