Bảo hiểm nông nghiệp - Chính sách ưu việt cần tiếp tục triển khai

PV.

Trước những khó khăn bất thường của thiên tai, tác động lớn đến đời sống kinh tế, xã hội, thì việc tăng cường ban hành các chính sách bảo hiểm đối với lĩnh vực nông nghiệp là cực kỳ cần thiết. Việc triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại buổi Họp báo ngày 8/8, đại diện Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm đánh giá, bảo hiểm nông nghiệp hiện đang được thực hiện thí điểm đối với 3 sản phẩm bảo hiểm: bảo hiểm cây lúa, bảo hiểm vật nuôi và bảo hiểm thủy sản (tôm, cá) giai đoạn 2011-2013.

Đối với cá nhân, hộ nông dân khi tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp được hưởng những ưu đãi: hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo; Hỗ trợ 80% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo; Hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo; hỗ trợ 20% phí bảo hiểm.

Đại diện Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm cho biết, chính sách bảo hiểm nông nghiệp đã thể hiện tính ưu việt đó là, không giới hạn đối tượng được bảo hiểm, không giới hạn địa bàn triển khai bảo hiểm nông nghiệp, thực hiện trên cơ sở tự nguyện, có sự hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm của ngân sách địa phương theo nguyên tắc tự cân đối nguồn đảm bảo và tập trung hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế (hộ nghèo, cận nghèo).

Với sự vào cuộc mạnh mẽ từ phía Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan, sau 03 năm thực hiện, công tác triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã đạt được kết quả đáng khích lệ như sau: Tổng số hộ nông dân/tổ chức sản xuất tham gia thí điểm là 304.017; Tổng giá trị được bảo hiểm lên đến 7.747,9 tỷ đồng; Tổng số phí bảo hiểm đạt 394 tỷ đồng; Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm đã được các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả là 712,9 tỷ đồng.

Thực tiễn triển khai hoạt động thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cho thấy, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp là hết sức đúng đắn, đây là chính sách nhằm ổn định sản xuất và đời sống của người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Các địa phương được lựa chọn làm thí điểm, các địa bàn huyện xã làm thí điểm với các sản phẩm cây lúa, chăn nuôi, thuỷ sản là những mặt hàng sản xuất nông nghiệp quan trọng của địa phương.

Đại diện Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm nhấn mạnh, giá trị lớn nhất mà chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp mang lại đó chính là, thông qua chương trình đã góp phần tăng cường nhận thức của các cơ quan trung ương, địa phương và người dân về sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò của bảo hiểm nông nghiệp.

Căn cứ kết quả phân tích, đánh giá về những khó khăn, bất cập trong triển khai BHNN, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ NN&PTNT và đã xin ý kiến địa phương, tổ chức họp với các DNBH, các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, hoàn chỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện BHNN. Bộ Tài chính đề nghị, thời gian tới, cần tiếp tục có chính sách khuyến khích người sản xuất nông nghiệp tham gia mua bảo hiểm nông nghiệp.