Bảo hiểm nông nghiệp góp phần xây dựng chương trình nông thôn mới
(Tài chính) Sáng 9/5, tại Hà Nội, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng phối hợp tổ chức hội nghị đánh giá thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) sau hai năm triển khai tại các tỉnh, thành phố trên cả nước theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đánh giá công tác triển khai thí điểm BHNN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, đây là loại hình bảo hiểm thực sự đi vào cuộc sống của người dân, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất trước những rủi ro do thiên tai, bão, lũ, dịch bệnh gây ra, cũng như góp phần xây dựng chương trình nông thôn mới.
Ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến ngày 30/4/2013, việc thí điểm BHNN đã được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố với 234.235 hộ dân tham gia ký hợp đồng bảo hiểm (trong đó 80,8% là hộ nghèo), với giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, thủy sản là trên 5.437,5 tỷ đồng, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc là gần 303.295 triệu đồng.
Tổng diện tích trồng lúa tham gia bảo hiểm là 45.412 ha với số hộ tham gia bảo hiểm là 189.797 hộ; tổng giá trị được bảo hiểm gần 1.477,7 tỷ đồng; Về bảo hiểm vật nuôi (các tỉnh, thành phố Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương, Hà Nội) có 623.131 con (trâu, bò, lợn, gia cầm) tham gia bảo hiểm, tổng số hộ tham gia bảo hiểm là 29.163 hộ, với tổng giá trị được bảo hiểm trên 1.104,9 tỷ đồng, với tổng số phí bảo hiểm là 38.748 triệu đồng; Đối với lĩnh vực thủy sản (các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau) có 5.523 ha với tổng số hộ tham gia bảo hiểm là 15.275 hộ với tổng giá trị được bảo hiểm hơn 2.855 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, việc triển khai thí điểm BHNN trên địa bàn Thành phố đã được ban chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền đã được các cấp, ngành nhân dân hai huyện Ba Vì và Chương Mỹ ủng hộ. Điển hình như ông Nguyễn Xuân Khanh ở xã Phú Châu là người đi đầu đã tham gia bảo hiểm cả đàn 24 con bò sữa với số phí hộ phải đóng là gần 14 triệu đồng/năm, qua đó các hộ xung quanh đã hưởng ứng tham gia.
Tuy nhiên, ông Đăng cũng chỉ ra một số điểm tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai loại hình bảo hiểm này như: Phạm vi bảo hiểm đối với bò sữa chưa đáp ứng được yêu cầu của các chủ hộ chăn nuôi bò sữa; Chưa triển khai BHNN tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, nguyên nhân do mức phí đóng cao, chưa có chính sách riêng đối với hộ tham gia số đông nên không khuyến khích được chủ hộ tham gia…
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm BHNN tỉnh Trà Vinh cho rằng, bên cạnh những hệ thống văn bản pháp quy nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thì cần phải bổ sung về khống chế mật độ thả nuôi với loại hình thả nuôi tôm sú, tông chân trắng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Thông tư số 47; Quy định tỷ lệ thiệt hại và mức bồi thường theo Quyết định 3035/QĐ-BTC và Quyết định 2114/QĐ-BTC chưa thật sự chặt chẽ.
Điều đáng nói, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên thì hiện tượng trục lợi bảo hiểm, việc thẩm định thiệt hại, bồi thường vẫn còn hạn chế do lực lượng tham gia còn “mỏng”. Trong khi đó, các doanh nghiệp tham gia tái BHNN bị lỗ. Theo Tổng Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare), tính đến nay, các doanh nghiệp nhận tái BHNN theo chương trình thí điểm BHNN đã bị lỗ 330 tỷ đồng.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại và triển khai tốt công tác BHNN trong thời gian tới, các đại biểu kiến nghị, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về phí bảo hiểm cho nông dân; mở rộng quy mô địa bàn bảo hiểm đối với cây lúa để phục vụ số đông nông dân; cần có sự phối hợp chặt các cấp chính quyền địa phương với các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc tuyên truyền, triển khai cấp đơn bảo hiểm và giải quyết bồi thường cho người nông dân; các doanh nghiệp bảo hiểm cần nghiên cứu cải tiến sản phẩm bảo hiểm, điều kiện/điều khoản bảo hiểm và phương thức tái bảo hiểm phù hợp với thị trường hơn.
Về phía Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện công tác quản lý, giám sát, ngăn chặn, phòng chống trục lợi bảo hiểm gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và doanh nghiệp bảo hiểm; Tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức khai thác, ký kết hợp đồng bảo hiểm chặt chẽ. Cùng với đó, rà soát ban hành các quy trình, trồng lúa, chăn nuôi và nuôi thủy sản phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Đồng thời, các doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo tại địa phương rà soát, giải quyết yêu cầu bồi thường bảo hiểm đã phát sinh theo hợp đồng bảo hiểm, quy định lại quy tắc, điều khoản BHNN…