Bảo hiểm nông nghiệp: “Phao” của nông dân Mộc Châu
(Tài chính) Trong khi chương trình bảo hiểm nông nghiệp nhà nước phải "vật lộn" triển khai, thì mô hình bảo hiểm vật nuôi áp dụng tại Mộc Châu đang "chạy" tốt cả chục năm nay, tạo thành chỗ dựa bền vững, giúp người dân nuôi bò sữa Mộc Châu yên tâm phát triển đàn.
Những tỷ phú trên thảo nguyên
Lúc chúng tôi đến thăm, anh Nguyễn Văn Hải (Khu Vườn Đào, thị trấn Nông trường Mộc Châu, Sơn La) đang điều khiển chiếc máy băm thái cỏ. Tiếng chào hỏi nhỏ to lẫn trong tiếng máy nổ giòn tan. Khác với khoảng chục năm trước, khi anh tay trắng lặn lội từ Thái Bình lên lập nghiệp, nay anh đã là một tỷ phú trên thảo nguyên Mộc Châu, với trang trại bò trên 60 con, nuôi theo mô hình VietGAP.
Theo anh Hải, cuộc sống của người nuôi bò sữa được như hôm nay, nhờ chính sách khoán hộ và nhiều sự hỗ trợ từ phía Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu. Đặc biệt, việc bảo hiểm cho con bò sữa và giá sữa, chính là những “cái phao”, giúp người chăn nuôi yên tâm, đầu tư phát triển đàn bò. Anh cho biết, lúc đầu, phải mất một khoản nộp tham gia quỹ bảo hiểm, anh cũng băn khoăn.
“Tuy nhiên, thực tế, con bò sữa là tài sản rất lớn của chúng tôi, nếu mảy may có hệ sự gì thì sẽ rất gay go. Với mức phí bảo hiểm cho con bò sinh sản đóng 600 nghìn đồng/năm, bò hậu bị chưa đẻ 400 nghìn/con, bê cai sữa 200 nghìn đồng/con, cũng là hợp lý. Khi gặp rủi ro như bò chết, được bảo hiểm chi trả 12 triệu đồng, bê chết được 8 triệu đồng… Cùng với việc bán sản phẩm khoảng 5-7 triệu, tổng cộng được khoảng 20 triệu đồng, có thể mua một con bê tơ để thay thế ngay”, anh Hải nói.
Là một trong những hộ tham gia đầu tiên vào bảo hiểm vật nuôi, anh Nguyễn Văn Quang ở tiểu khu 84-85 (thị trấn Nông trường Mộc Châu) cho biết: “Càng ngày càng thấy mua bảo hiểm cho bò là một phương thức rất hiện đại, chính là một cầu nối chia sẻ rủi ro giữa người nuôi với Công ty. Cái được là nếu không may bò bị thải loại, chúng tôi vẫn có thể tái nuôi được liền sau đó”.
Cũng như anh Hải, anh Quang, ở Mộc Châu hơn 550 hộ chăn nuôi bò sữa đã tham gia bảo hiểm bò sữa. Hằng năm, quỹ bảo hiểm cũng chi trả cho hàng trăm trường hợp bò, bê gặp rủi ro. Với cách làm này, công ty đã góp phần thay đổi nhận thức của người chăn nuôi, giúp họ yên tâm về đầu ra và đặc biệt không lo lắng khi xảy ra những rủi ro. Đặc biệt, trên thảo nguyên này, đã hình thành một thế hệ nuôi bò sữa mới, họ là những tỷ phú.
Ngoài ra, Công ty cũng đang thực hiện bảo hiểm giá sữa, với mức 50 đồng/kg sữa. Đây cũng là một công cụ để Công ty giúp người chăn nuôi yên tâm trong việc đầu tư phát triển chăn nuôi.
Tạo niềm tin, chia sẻ rủi ro
Theo ông Phạm Văn Nhán, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, quỹ bảo hiểm hoàn toàn độc lập với hoạt động của Công ty, và quỹ này do các hộ bầu ra ban quản lý quỹ. Hiện quỹ bảo hiểm khoảng trên 10 tỷ đồng. Lúc chưa sử dụng đến, quỹ có thể cho Công ty vay để kinh doanh, được trả theo lãi suất của ngân hàng.
Trong khi chương trình bảo hiểm nông nghiệp nhà nước đang triển khai ở nhiều địa phương đang tồn tại bất cập, thì mô hình bảo hiểm bò sữa ở Mộc Châu đang nổi lên như một điểm sáng, và “chạy tốt” cả chục năm nay. Ông Hà Trung Chiến, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu chia sẻ: Cái hay ở Mộc Châu là mô hình liên kết giữa Công ty và hộ chăn nuôi.
Ông Chiến cho biết, mô hình chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu, không chỉ dừng lại ở câu chuyện bảo hiểm. Bà con nuôi bò sữa còn gắn chặt với Công ty, vì họ đang được hưởng nhiều ưu đãi, hỗ trợ đi kèm của Công ty. Chẳng hạn Công ty hỗ trợ các hộ từ 700 - 1.000 đồng/kg thức ăn tinh bột và cỏ Alfalfa, hỗ trợ cho vay vốn từ 50 - 70% phần vốn cho các hộ đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi con bò được mua về, hỗ trợ khuyến nông, tiêm phòng, thụ tinh nhân tạo, thưởng vào giá sữa hàng tháng.
Theo chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng, bảo hiểm phải bắt đầu từ ý nguyện của người tham gia. Mô hình ở Mộc Châu có ưu điểm ở chỗ, người chăn nuôi hoàn toàn tự nguyện và họ có quyền quyết định mức giá cũng như các yêu cầu của mình. Bảo hiểm nông nghiệp muốn tồn tại phải gắn với thực tế và phải làm sao để nông dân thấy được quyền lợi chính đáng khi tham gia và điều quan trọng hơn cả chính là các cơ chế, chính sách giải quyết khi xảy ra rủi ro phải đơn giản, gọn nhẹ.