Bảo hiểm thất nghiệp - “chỗ dựa” vững chắc cho người lao động vượt qua khó khăn
Thời gian qua, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã trở thành “chỗ dựa” vững chắc cho hàng triệu người lao động vượt qua khó khăn. Ý nghĩa hơn, loại hình bảo hiểm này còn giúp người lao động có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống trong bối cảnh dịch Covid-19.
Những lợi ích khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Ông Đỗ Ngọc Thọ - Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2006, chính sách BHTN được thực hiện từ ngày 01/01/2009 với mục tiêu nhằm: Hỗ trợ người lao động bị mất việc một phần thu nhập; hỗ trợ học nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm; giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động.
Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2015, chính sách BHTN được thực hiện theo quy định của Luật Việc làm với nhiều điểm mới sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế. Nhờ đó, số người tham gia BHTN năm sau tăng cao hơn năm trước.
Về giải quyết chế độ BHTN cho người lao động, đến hết ngày 31/10/2020, cơ quan BHXH đã giải quyết chế độ BHTN cho 881.895 người với số tiền chi trả 12.988 tỷ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Đặc biệt, người lao động tham gia BHTN khi mất việc làm còn được hưởng các chế độ, gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Nhìn chung, trong bối cảnh dịch Covid-19, BHTN đã trở thành “chỗ dựa” của hàng triệu người lao động khi giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống. Mặt khác, BHTN cũng giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động.
Để tăng diện bao phủ bảo hiểm thất nghiệp
Để chính sách BHTN phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, ông Đỗ Ngọc Thọ cho rằng, với các quy định hiện hành, chính sách BHTN hoạt động dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng. Do đó, muốn hưởng những lợi ích của chính sách này, người lao động cần ý thức được quyền và trách nhiệm khi tham gia BHTN.
Theo thống kê, đến tháng 10/2020, toàn quốc có 13,03 triệu người tham gia BHTN. Kết quả này còn thấp so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ở nước ta, do đó cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để tăng diện bao phủ BHTN.
Phân tích về tầm quan trọng của BHTN, ông Thọ cho hay, việc tăng diện bao phủ BHTN giúp Quỹ BHTN có thêm nguồn lực để chia sẻ, hỗ trợ tốt hơn cho người lao động.
“Với tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội còn lâu dài, số người hưởng BHTN sẽ còn tiếp tục tăng cho thấy những nguy cơ về mất cấn đối thu - chi Quỹ BHTN trong ngắn hạn và trung hạn”, ông Thọ nhận định.
Để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tập trung thực hiện tốt công tác thu - chi, các chế độ BHTN cho người lao động; quản lý và sử dụng Quỹ BHTN theo quy định của Luật Việc làm và các quy định liên quan.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng cường giám sát việc thực hiện các chế độ BHTN; đánh giá lại công tác dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động bị thất nghiệp trở lại thị trường lao động.
Cùng với đó, mở rộng điều kiện hỗ trợ để người sử dụng lao động dễ tiếp cận hơn với chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Đồng thời, đổi mới và nâng cao chất lượng của các trung tâm dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm; gắn công tác dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tập trung thực hiện tốt công tác thu - chi, các chế độ BHTN cho người lao động; quản lý và sử dụng Quỹ BHTN theo quy định của Luật Việc làm và các quy định liên quan.