Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Bảy đột phá và tám nhiệm vụ trọng tâm

Lê Hà

Với sự quyết tâm, đồng lòng, nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, năm 2020, ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch được giao. Trong đó, nổi bật là những điểm nhấn trên các lĩnh vực công tác như: Xây dựng chính sách, pháp luật BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT); Phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN… Trên cơ sở những kết quả này, ngành BHXH Việt Nam đã đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021.

Ngày 24/12/2020, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2021 tại điểm cầu chính BHXH Việt Nam và 63 điểm cầu tại BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng 646 điểm cầu tại BHXH các quận, huyện. Đồng chí Vũ Đức Đam - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đại diện lãnh đạo một số bộ, ban ngành, cơ quan đoàn thể Trung ương; Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cùng các Phó Tổng Giám đốc và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.

7 đột phá

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, mặc dù năm 2020, trong bối cảnh toàn cầu bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 và thiên tai bão lũ xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, nhưng nhờ có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự quyết tâm, đồng lòng, nỗ lực, cố gắng của toàn thể công chức, viên chức, người lao động, ngành BHXH Việt Nam đã cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch được giao năm 2020.      

Những kết quả của ngành BHXH Việt Nam được thể hiện ở 7 đột phá trên các mặt công tác, cụ thể như sau:

Một là, xây dựng chính sách, pháp luật BHXH, BHTN, BHYT.

Trong năm 2020, BHXH Việt Nam đã tham gia xây dựng 58 dự thảo nghị định, thông tư, trong đó có nhiều dự thảo quan trọng, như: Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định một số điều của Luật Việc làm về BHTN; Nghị định về mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…

Các ý kiến xây dựng của BHXH Việt Nam đều được Chính phủ, bộ, ngành ghi nhận, tiếp thu, qua đó góp phần củng cố, hoàn thiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT phù hợp với thực tiễn, kịp thời khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực hiện.

Hai là, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đạt kết quả tích cực. Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,1 triệu người, tăng 494 nghìn người, gần gấp đôi so với năm 2019, tăng gấp gần 5 lần so với năm 2015. Cả nước có gần 13,3 triệu người tham gia BHTN đạt khoảng 27% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Đáng chú ý, chỉ tiêu bao phủ BHYT tiếp tục có bước tăng trưởng ấn tượng với khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu của Chính phủ, tăng 25,6% so với năm 2015. Với tỷ lệ bao phủ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn.

Ba là, về chi trả, giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN

Năm 2020, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết trên 133.300 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; trên 897 nghìn người hưởng trợ cấp 1 lần; gần 9,6 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, tăng 27,1% so với năm 2015.

Đặc biệt, trong trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhằm tạo thuận lợi cho người thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện linh hoạt phương thức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng tại nhà, chi trả gộp 02 tháng trong cùng 01 kỳ chi trả; cấp thuốc BHYT cho người bị mắc bệnh mãn tính; thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ…

Thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cho 03 tập thể và cá nhân của BHXH Việt Nam.
Thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cho 03 tập thể và cá nhân của BHXH Việt Nam.

Bốn là, tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử

Năm 2020, ngành BHXH chú trọng thực hiện thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử, nhờ đó chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra được nâng cao, thời gian thanh tra kiểm tra đối với các đơn vị được rút ngắn.

Theo BHXH Việt Nam, đến tháng 12/2020, toàn Ngành đã tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng tại 3.054 đơn vị, qua đó phát hiện 7.017 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHTN, BHYT nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là hơn 62.113 triệu đồng…

Năm là, chú trọng công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ.

Để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, năm qua, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ.

Kết quả, bộ thủ tục hành chính của Ngành đã giảm từ 114 thủ tục (năm 2015) đến nay còn 27 thủ tục; số giờ thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp giảm từ 335 giờ/năm (năm 2015) xuống còn 147 giờ (năm 2019), hiện đã hoàn thiện các thủ tục báo cáo Ngân hàng Thế giới (WB) để công nhận còn 129 giờ/năm.

Về ứng dụng công nghệ thông tin, đến hết năm 2020, BHXH Việt Nam đã triển khai thực hiện 19 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công của Ngành; dự kiến năm 2021, 100% dịch vụ công của Ngành được thực hiện ở mức độ 4.

Nhằm tiếp tục cung cấp những dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, BHXH Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng và đưa vào triển khai thành công ứng dụng “VssID - BHXH” trên nền tảng thiết bị di động, qua đó cung cấp các chức năng, tiện ích để tìm kiếm, tra cứu các thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT...

Sáu là, triển khai hiệu quả Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đến nay, toàn ngành BHXH đã giảm 65 đầu mối cấp phòng, thuộc 63 BHXH tỉnh, thành phố; 58 BHXH thành phố, thị xã nơi có trụ sở BHXH cấp tỉnh đóng trên địa bàn và 6 BHXH cấp huyện theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính; giảm 350 chức danh lãnh đạo cấp trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương tại các đơn vị hợp nhất, giải thể.

Tại Trung ương, hoàn thành xong việc giảm 03 đơn vị đầu mối cấp Vụ, Ban, không tổ chức cơ cấu cấp phòng tại 04 đơn vị theo đúng quy định.

Bảy là, đổi mới, đa dạng các hình thức, phương pháp truyền thông về BHXH, BHYT, BHTN.

Trong năm 2020, đã có trên 16.000 tin, bài, phóng sự, tọa đàm, chuyên trang, chuyên mục được các cơ quan báo chí Trung ương đăng tải, tăng 23% so với năm 2019; tổ chức khoảng 120 hội nghị tập huấn, hội thảo, tọa đàm, đối thoại, tư vấn, truyền thông chính sách pháp luật BHXH, BHYT, BHTN với khoảng 24.000 lượt người tham dự; trả lời trên 500.000 lượt hỏi, đáp qua Hệ thống chăm sóc khách hàng…

8 nhiệm vụ trọng tâm năm 2021

Với quyết tâm cao nhất trong thực thi nhiệm vụ, gắn chặt với phương châm hành động: “Kỷ cương, đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, trong năm 2021, toàn ngành BHXH Việt Nam sẽ tập trung triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục chủ động, tích cực tham gia với các bộ, ngành hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân; Kịp thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định mới về BHXH, BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

Hai là, tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, linh hoạt, sáng tạo để hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 125/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW; các nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Ba là, đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao: Phấn đấu đến hết năm 2021, số người tham gia BHXH đạt khoảng 35,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW; số người tham gia BHTN đạt khoảng 28,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,5% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW; số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ khoảng 91,56% dân số.

Bốn là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành ở Trung ương, các tổ chức chính trị, xã hội, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông BHXH, BHYT tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Năm là, giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT đảm bảo chính xác, kịp thời, thuận tiện nhất cho người thụ hưởng; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ. Quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp thất nghiệp; chủ động kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT đảm bảo đúng quy định và dự toán được Chính phủ giao năm 2021.

Sáu là, tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; liên thông dữ liệu với các bộ, ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng ứng dụng VssID.

Bảy là, tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; triển khai hiệu quả Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị định số 89 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức toàn Ngành vững nghiệp vụ chuyên môn, chuyên nghiệp, tận tụy, năng động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ.

Tám là, thực hiện phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc: rõ người, rõ việc, rõ quy trình, trách nhiệm; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, chuyển đổi mạnh mẽ tác phong làm việc sang phục vụ người tham gia, thụ hưởng chính sách tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

Tại hội nghị, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trao tặng: Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ban Thu (BHXH Việt Nam); Huân chương Lao động hạng Nhì cho ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; Huân chương Lao động hạng Ba cho Vụ Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam) đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2015 đến năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.