Bảo hiểm y tế sẽ gánh đỡ viện phí


Từ ngày 1/6 tới, viện phí sẽ điều chỉnh ở nhóm đối tượng không có bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, hàng nghìn dịch vụ y tế với đối tượng này sẽ tăng giá. Vì thế, theo Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT - Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam Lê Văn Phúc, người dân nên chủ động tham gia BHYT để BHYT gánh đỡ chi phí khám chữa bệnh khi viện phí tăng giá.

Chất lượng KCB bảo hiểm y tế ngày càng nâng cao. Nguồn: internet.
Chất lượng KCB bảo hiểm y tế ngày càng nâng cao. Nguồn: internet.

Gần 2.000 dịch vụ y tế tăng giá

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ ngày 1/6 tới, cả nước sẽ áp dụng giá viện phí mới cho gần 2.000 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có BHYT. Đây là mức giá đã được áp dụng đối với nhóm người có BHYT từ năm 2016.

Điểm khác nhau ở chỗ, người có BHYT sẽ được Quỹ BHYT thanh toán từ 80 - 100% viện phí tùy theo đối tượng. Trong khi đó, người không có thẻ BHYT sẽ phải bỏ tiền túi ra chi trả viện phí, với nhiều dịch vụ có chi phí từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Theo mức viện phí mới, tiền khám và tiền giường bệnh sẽ tăng từ 2 đến 4 lần.

Ngoài ra, các dịch vụ kỹ thuật dù chỉ tăng 20 - 30% nhưng đối với các kỹ thuật có giá 5 - 7 triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng thì số tiền tăng tuyệt đối cũng rất lớn, từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng.

Theo ông Lê Văn Phúc, việc điều chỉnh giá viện phí giữa người có BHYT và người không có BHYT ngang bằng nhau là để tạo sự công bằng hơn trong việc thực hiện chính sách chung khi giá dịch vụ y tế tương đương nhau.

Người dân sẽ an tâm khi có BHYT

 Theo Giám đốc Bệnh viện K trung ương PGS. TS. Trần Văn Thuấn, 80 - 90% bệnh nhân nội trú ở tại Bệnh viện K tham gia BHYT. Tuy nhiên, 80% người bệnh khi đến khám không có thẻ BHYT, họ chỉ mua bảo hiểm khi phát hiện bị ung thư vì các chi phí xét nghiệm khá đắt đỏ.

Nhưng nếu bệnh nhân phát hiện bị bệnh mới mua BHYT thì cũng phải mất 1 tháng sau thẻ mới có hiệu lực. Khi đó, người bệnh cũng đã phải tự chi trả một khoản tiền lớn trước khi được Bảo hiểm xã hội hỗ trợ chi trả. Song, việc tham gia BHYT muộn cũng còn hơn không.

Tương tự, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cũng thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân không có BHYT. Theo thống kê của bệnh viện cho thấy, có tới 30 - 40% người bệnh vào cấp cứu ở đây không có BHYT. Trong khi đó, các bệnh nhân vào viện đều đa chấn thương, chấn thương sọ não… phải điều trị dài ngày, thực hiện nhiều phẫu thuật, chi phí rất tốn kém.

Theo các chuyên gia, hiện nay, người nghèo, người có công, người già trên 80 tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi đều đã được cấp BHYT miễn phí. Các đối tượng như cận nghèo, học sinh - sinh viên, nông dân, ngư dân, diêm dân có mức sống trung bình đều được hỗ trợ từ 30 đến 70%. Đối tượng cận nghèo ở nhiều tỉnh cũng được hỗ trợ thêm 10 - 20% mệnh giá thẻ BHYT. Như vậy, người dân chỉ còn phải bỏ ra số tiền rất nhỏ, từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/năm để mua thẻ BHYT.

Tuy nhiên, do không thực sự hiểu được ích lợi của việc tham gia BHYT, không ít người vẫn tiếc rẻ không mua BHYT. Chỉ đến khi bệnh tật hiểm nghèo, tai nạn ập đến, cả gia đình phải còng lưng lo viện phí, có thể phải bán nhà, vay nặng lãi, thậm chí cam tâm chịu chết… mới hối tiếc thì đã muộn. Nên người dân cần tìm hiểu kỹ những ích lợi để tham gia BHYT, đó là sự lựa chọn thiết thực bảo đảm sức khỏe và tài chính của bản thân và gia đình.