Tạo điều kiện thuận lợi trong thanh toán BHYT
Trước những phản ánh về việc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đang đề nghị xuất toán hoặc tạm thời chưa thanh toán một số khoản kinh phí mà các cơ sở khám, chữa bệnh đề nghị thanh toán vượt định mức của Bộ Y tế, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định, cơ quan bảo hiểm luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và thực hiện nguyên tắc thanh toán thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) đúng, đủ, kịp thời, bảo đảm tối đa quyền lợi cho người bệnh.
Bảo đảm quyền lợi cho người bệnh
Trao đổi tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tháng 4/2017, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định, cơ quan bảo hiểm luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người bệnh.
Nếu có vấn đề phát sinh từ thực tế, cơ sở y tế có kiến nghị cơ quan bảo hiểm sẵn sàng lắng nghe, phối hợp cùng giải quyết. Đơn cử như việc người bệnh bị tạm dừng thanh toán hai loại thuốc Mycophenolate mofetil và Tacrolimus để điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh thận hư, lupus ban đỏ nhưng không đáp ứng với việc điều trị corticoid.
Ông Sơn cho biết, việc dừng thanh toán căn cứ vào quy định tại Thông tư 40/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 của Bộ Y tế. Thông tư quy định rõ quỹ BHYT sẽ không thanh toán đối với trường hợp sử dụng thuốc không phù hợp với chỉ định đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt. Với trường hợp cụ thể xảy ra tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua là do sự phối hợp chưa chặt giữa cơ sở y tế và cơ quan BHXH.
Bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 4509/BHXH-DVT gửi Bộ Y tế đề nghị phối hợp với BHXH Việt Nam thống nhất, xác định danh mục một số thuốc cụ thể để hướng dẫn thanh toán. Căn cứ để xác định danh mục thuốc này xuất phát từ đề xuất và chứng minh hiệu quả điều trị của một số bệnh viện đầu ngành đối với từng chỉ định thuốc trong các trường hợp cụ thể, thực sự cần thiết và bảo đảm an toàn trong sử dụng.
Đồng thời, để bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT, nhất là đối với đối tượng người nghèo, người có công, học sinh, sinh viên, trẻ em dưới 6 tuổi cần sử dụng hai loại thuốc nói trên, BHXH Việt Nam đã đề nghị BHXH TP. Hồ Chí Minh thống nhất với các cơ sở khám, chữa bệnh tạm thời thanh toán chi phí thuốc Mycophenolate mofetil uống và Tacrolimus tiêm, uống trong các trường hợp cụ thể, cần thiết phải điều trị mà không có thuốc khác thay thế trong Thông tư 40/2014/TT-BYT của Bộ Y tế.
Không tiết kiệm thanh toán thuốc bảo hiểm y tế
Trước những băn khoăn liệu việc tạm dừng thanh toán nhằm siết chặt tình trạng cơ sở y tế lạm dụng thuốc hay là do nguy cơ vỡ quỹ khiến BHXH tiết kiệm chi, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn khẳng định, với người bệnh, cơ quan BHXH không tiết kiệm mà luôn thực hiện nguyên tắc thanh toán thuốc BHYT đúng, đủ, kịp thời, bảo đảm tối đa quyền lợi cho người bệnh.
BHXH Việt Nam cũng có nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT ở phía cơ sở y tế chứ không phải siết chặt việc thanh toán thuốc. “Trong thanh toán thuốc BHYT, nếu cơ sở y tế làm sai, thì một đồng BHXH cũng không chi, nhưng ngược lại cơ sở y tế thực hiện đúng nguyên tắc, bảo đảm quyền lợi người bệnh thì một tỷ cơ quan bảo hiểm cũng sẵn sàng chi” - ông Sơn nhấn mạnh.
Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam Vũ Xuân Bằng cũng cho biết, việc quy định định mức vừa là cơ sở để xây dựng giá dịch vụ, vừa là tiêu chuẩn để bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế. Bởi thực tế để sử dụng nguồn quỹ BHYT vừa hiệu quả vừa phải bảo đảm quyền lợi cho người có BHYT được mở rộng, nhiều kỹ thuật mới được áp dụng thì cơ quan BHXH phải chịu rất nhiều áp lực.
Để gỡ những vướng mắc trong thanh toán khám, chữa bệnh bằng BHYT, thời gian tới BHXH sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Đồng thời, phối hợp rà soát, đánh giá tình hình thực tế thực hiện giá dịch vụ khám, chữa bệnh để xem xét sửa đổi định mức kinh tế kỹ thuật, bảo đảm bù đắp chi phí thực tế thực hiện dịch vụ, bảo đảm công bằng và sử dụng hiệu quả quỹ khám chữa bệnh BHYT.