Quỹ bảo hiểm thất nghiệp: Hỗ trợ tối đa cho người lao động

Theo Trang Anh/congthuong.vn

Trong 10 tháng đầu năm 2020, cả nước có 881.895 người được nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (BHTN), tăng 85.635 người so với cùng kỳ năm 2019. Con số này cho thấy, BHTN đã từng bước trở thành “điểm tựa” hỗ trợ cho người lao động mất việc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đối tượng BHTN tăng qua các năm

Chính sách BHTN là một trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động và cũng là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, trong đó, việc tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, duy trì việc làm cho người lao động là yếu tố quan trọng tạo sinh kế cho người lao động.

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2006 ra đời đã quy định rõ về chính sách BHTN. Đây là khung pháp lý quan trọng để triển khai BHTN ở Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2009. Đến năm 2013, Luật Việc làm thông qua đã mở rộng đối tượng tham gia, điều kiện hưởng BHTN và chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động...

Đặc biệt, Luật Việc làm cũng quy định rõ quỹ BHTN được sử dụng vào các mục đích: Chi trả trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; đóng BHYT cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp; chi phí quản lý BHTN thực hiện theo quy định của Luật BHXH; đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng Quỹ.

Cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế, việc mở rộng đối tượng hợp đồng lao động từ 3 tháng đến dưới 12 tháng bắt buộc tham gia BHTN theo Luật Việc làm... số người tham gia BHTN liên tục tăng qua các năm và đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch.

Nếu năm 2009 mới chỉ có 5.993.300 người tham gia BHTN thì tới năm 2015 (năm đầu tiên Luật Việc làm có hiệu lực) đã có 10.308.180 người tham gia (tăng 11,8% so với năm 2014); năm 2016 có 11.061.562 người tham gia (tăng 7,3% so với năm 2015); năm 2017 có 11.774.742 người tham gia (tăng 8,1% so với năm 2016) và năm 2018 có 12.680.173 người tham gia (tăng 7,7% so với năm 2017), bằng 87,7% tổng số người tham gia BHXH bắt buộc (14,45 triệu người), tổng số đơn vị tham gia BHTN là 361.586 đơn vị.

Sử dụng hiệu quả Quỹ BHTN

Số người hưởng chính sách BHTN tăng dẫn đến tổng chi cho các chế độ BHTN cũng tăng. Cụ thể, năm 2010, tổng chi các chế độ BHTN là 457,1 tỷ đồng, đến năm 2014 là 3.911,1 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với năm 2011. Từ khi Luật Việc làm có hiệu lực với việc thay đổi cách tính thời gian hưởng BHTN, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp giai đoạn 2015 - 2018 tăng ổn định với tỷ lệ bình quân là 12,5%.

Tổng số người được chi trả trợ cấp thất nghiệp hàng tháng gần 5,7 triệu người với số tiền trên 52.000 tỷ đồng; tổng số người hưởng được hỗ trợ học nghề trên 200.000 người với số tiền 408 tỷ đồng; Quỹ BHTN cũng chi trả tiền đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp với khoảng 2.400 tỷ đồng.

Số đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp trong những năm đầu thực hiện chính sách còn tương đối thấp, thời gian hưởng ngắn; số chi các chế độ BHTN so với số thu BHTN những năm đầu chỉ giao động khoảng dưới 30%.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây tỷ lệ này bắt đầu gia tăng, năm 2015 là 52% trở lên thì đến năm 2019 tỷ lệ này là 70%. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số lao động mất việc làm tăng và quỹ BHTN cũng thực hiện được vai trò “điểm tựa” giúp đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho người lao động không có việc làm… và tỷ lệ hưởng lên 90% so với số thu.

Theo đánh giá tại Báo cáo thẩm tra việc quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHTN hàng năm của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, số phát sinh tăng quỹ BHTN trong các năm đều tăng lên. Cụ thể, năm 2017, kết dư Quỹ BHTN là 67.320 tỷ đồng, tăng 9.038 tỷ đồng so với năm 2016; năm 2018 là 79.073 tỷ đồng; năm 2019 là 84.000 tỷ đồng và năm 2020, quỹ BHTN vẫn đảm bảo an toàn.

Đến năm 2021, dự kiến số chi BHTN sẽ tiếp tục tăng hơn năm 2020 do chính sách có độ trễ nhất định. Bản chất của BHTN giúp người lao động khi mất việc làm có nguồn thu nhập ổn định đảm bảo đời sống. Mặc dù quỹ BHTN kết dư như vậy nhưng theo quy định, chỉ được phép dùng quỹ BHTN để chi hỗ trợ doanh nghiệp và trả lương cho người lao động...

Cũng theo đánh giá, số quỹ BHTN tăng bên cạnh chính sách pháp luật đã có nhiều lần điều chỉnh để mở rộng đối tượng tham gia; tăng mức đóng BHTN thông qua việc điều chỉnh mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu vùng… thì công tác quản lý thu BHTN được ngành BHXH thực hiện luôn chặt chẽ.

Cụ thể, qua thanh kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp trốn đóng, đóng chưa đúng tiền lương để đề nghị truy thu đảm bảo quyền lợi cho người lao động; chế độ và quyền lợi của người thất nghiệp được chi trả kịp thời, đầy đủ, công tác quản lý chi cũng luôn được giám sát chặt chẽ, chi đúng đối tượng, hạn chế nhiều trường hợp lạm dụng, trục lợi quỹ qua công tác thanh tra, kiểm tra và ứng dụng CNTT trong quản lý… Điều này giúp cho quỹ BHTN đảm bảo an toàn, trở thành “điểm tựa” quan trọng của người lao động, giúp ổn định cuộc sống trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.