Sửa đổi quy định về bảo hiểm thất nghiệp


Ngày 29/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp. Nghị định 61/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo đó, người lao động được xác định là có việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

Một là, đã giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động có hiệu lực theo quy định của pháp luật.

Hai là, có quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm trong trường hợp này là ngày người lao động được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm ghi trong quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm.

Ba là, có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với trường hợp người lao động là chủ hộ kinh doanh hoặc có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp người lao động là chủ doanh nghiệp. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày người lao động thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm về việc hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh.

Bốn là, người lao động thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày ghi trong thông báo có việc làm của người lao động.

Theo Nghị định, trường hợp gặp khó khăn thuộc các trường hợp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 30 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng dưới 200 lao động; từ 50 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng từ 200 đến 1.000 lao động; từ 100 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng trên 1.000 lao động, không kể lao động giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 1 tháng.

Những trường hợp được coi là bất khả kháng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm bao gồm: hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh làm thiệt hại một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhà xưởng có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi người sử dụng lao động bị thiệt hại.

Bên cạnh đó, việc thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất kinh doanh cũng được coi là trường hợp bất khả kháng.

Nghị định cũng đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến phương thức chuyển kinh phí chi quản lý bảo hiểm thất nghiệp; trường hợp người lao động được xác định đang đóng bảo hiểm thất nghiệp; việc lập, phân bổ, giao dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo quy định; giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Ngoài ra, Nghị định số 61/2020/NĐ-CP nêu rõ việc hưởng bảo hiểm y tế; hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề; quyết định hỗ trợ học nghề...