Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp:
Bao quát các khoản thu nhập chịu thuế của người nộp thuế
Để hoàn thiện các quy định liên quan đến việc xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp cụ thể để bao quát các khoản thu nhập chịu thuế của người nộp thuế phát sinh trong thực tiễn, góp phần mở rộng cơ sở thuế.
Tại Dự thảo tờ trình Dự án Luật TNDN sửa đổi, Bộ Tài chính đã xây dựng nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định liên quan đến việc xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến các khoản thu nhập chịu thuế tại Điều 3, Luật Thuế TNDN hiện hành cho phù hợp với xu hướng phát triển và yêu cầu của thực tiễn.
Giải pháp thứ nhất được Bộ Tài chính đưa ra là luật hóa quy định đang được Chính phủ hướng dẫn tại Nghị định theo thẩm quyền được giao trong Luật thuế TNDN đối với việc xác định thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam để nâng cao cơ sở pháp lý.
Theo Bộ Tài chính, lý do đưa ra giải pháp này là tại Điều 3, Luật Thuế TNDN hiện hành quy định về thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác, trong đó, đã bao quát được các khoản thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.
Quy định chi tiết nội dung nêu trên, căn cứ thẩm quyền được giao, tại khoản 1, Điều 1, Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 3 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013) quy định: “... Thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài quy định tại các Điểm c, d Khoản 2 Điều 2 Luật thuế TNDN là thu nhập nhận được có nguồn gốc từ Việt Nam từ hoạt động cung ứng dịch vụ, cung cấp và phân phối hàng hóa, cho vay vốn, tiền bản quyền cho tổ chức cá nhân Việt Nam hoặc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam hoặc từ chuyển nhượng vốn, dự án đầu tư, quyền góp vốn, quyền tham gia các dự án đầu tư, quyền thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh...”.
Phạm vi xác định các khoản thu nhập chịu thuế của pháp luật về thuế TNDN nêu trên là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế, đã bao quát đầy đủ thu nhập từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cần điều chỉnh. Qua đánh giá của các bộ, ngành và địa phương, trong quá trình thực hiện cơ bản không phát sinh vướng mắc. Theo đó, cần thiết quy định cụ thể vào Luật thuế TNDN nội dung đang được quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP nêu trên để nâng cao cơ sở pháp lý trong thực hiện, đảm bảo sự ổn định của chính sách, đồng thời chỉnh lý một số câu chữ cho phù hợp.
Bộ Tài chính cũng đưa ra giải pháp thứ hai đó là bổ sung quy định thu thuế đối với thu nhập của doanh nghiệp nước ngoài thu được từ kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng công nghệ số cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh.
Lý do lựa chọn giải pháp này đó là để nâng cao cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền đánh thuế của Việt Nam, đảm bảo đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến người nộp thuế đề xuất ở Chính sách 1 nêu trên, góp phần mở rộng cơ sở thuế.
Theo Bộ Tài chính, mục tiêu của các giải pháp này là đảm bảo bao quát các khoản thu nhập chịu thuế của người nộp thuế phát sinh trong thực tiễn, góp phần mở rộng cơ sở thuế. Đồng thời, đảm bảo sự minh bạch, ổn định của chính sách thuế TNDN trên cơ sở luật hóa một số quy định ở các Nghị định của Chính phủ đang được thực hiện ổn định thời gian qua không vướng mắc và được thực tiễn chứng minh là phù hợp.