Sửa đổi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp để áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu
Dự kiến năm 2024, thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ chính thức được áp dụng. Chính vì vậy, Việt Nam sẽ phải sửa đổi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và pháp luật có liên quan về thuế để phù hợp với tình hình chung và thông lệ quốc tế.
Để thực thi thuế suất tối thiểu toàn cầu, Bộ Tài chính dự kiến sửa đổi chính sách thuế TNDN và pháp luật có liên quan về thuế. Tuy nhiên, việc rà soát sửa đổi trong năm 2023 để áp dụng ngay từ năm 2024 sẽ gặp khó khăn do thuế TNDN là một trong những nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước (NSNN), vừa là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%, vừa là khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Do đó, cần phải chờ Đề án Đổi mới cơ chế phân cấp, quản lý, phân bổ NSNN để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan được Bộ Chính trị phê duyệt.
Cùng với đó, theo Bộ Tài chính, cũng cần phải sửa đổi Luật NSNN đồng bộ với sửa đổi các luật thuế có liên quan như Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế Tài nguyên, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp.....
Bên cạnh đó, Luật Thuế TNDN sửa đổi sẽ liên quan đến cơ chế ưu đãi của các tỉnh, địa bàn, lĩnh vực hiện nay, như: lĩnh vực được ưu đãi có 30 lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực liên quan đến công nghệ cao, nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...), nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước...; có 54/63 tỉnh, thành phố có địa bàn ưu đãi đầu tư (địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn); có các mức ưu đãi theo quy mô từ 6.000 tỷ đồng hay 12.000 tỷ đồng kèm theo tiêu chí về công nghệ, chưa kể các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp cũng thuộc địa bàn được ưu đãi đầu tư.
Chính vì vậy, căn cứ điểm b, khoản 2, Điều 15 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định: “Thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành”, nội dung thuế suất tối thiểu toàn cầu là chính sách mới, chỉ áp dụng đối với một nhóm đối tượng, thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, khác với quy định về ưu đãi thuế TNDN của luật hiện hành.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm về việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu với hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 cho đến khi Luật Thuế TNDN (sửa đổi) được ban hành và thay thế cho Nghị quyết này.
Đối với các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước thời điểm Luật thuế TNDN (sửa đổi) có hiệu lực thi hành thì DN được lựa chọn những phương án sau: Hưởng ưu đãi theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp và nộp phần chênh lệch thuế về nước mẹ; áp dụng mức thuế suất 15% theo quy định tại Nghị quyết thí điểm nêu trên.
Nếu DN lựa chọn áp dụng thí điểm thuế suất 15% và nộp thuế tại Việt Nam, thì đối với phần thuế chênh lệch theo Nghị quyết thí điểm so với Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp sẽ được nghiên cứu để hỗ trợ lại cho DN bằng cách chuyển số thuế chênh lệch vào Quỹ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của DN và giao cho Bộ Tài chính sử dụng Quỹ này để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Hình thức hỗ trợ từ Quỹ có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp (hình thức hỗ trợ gián tiếp có thể là hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển...).
Tuy nhiên, phương án hỗ trợ này phải được nghiên cứu để đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư. Theo đó, Bộ Tài chính dự thảo Nghị quyết về thí điểm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của DN để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 2 (tháng 10) năm 2023 để có hiệu lực thi hành từ năm 2024.
Đối với nội dung hỗ trợ về đất đai, như miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Chính phủ (hiện đang quy định tại Nghị định của Chính phủ), Bộ Tài chính đề xuất giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát sửa đổi, bổ sung các Nghị định này báo cáo Chính phủ xem xét trong năm 2023.
Ngoài ra, đối với giải pháp trước mắt, có thể dùng biện pháp ngoại giao, đàm phán với các quốc gia có các công ty mẹ mà công ty con tại Việt Nam đang hưởng ưu đãi lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản.... để lùi thời hạn thực hiện hoặc chưa thực hiện đánh thuế bổ sung đối với các công ty của 2 nước (từ 2-3 năm), đàm phán với các quốc gia áp dụng quy định Bất hồi tố (tức không áp dụng Trụ cột 2 đối với các DN được cấp giấy phép đầu tư trước ngày 1/1/2024). Tuy nhiên, cơ chế đàm phán này tính khả thi không cao.
Bên cạnh giải pháp ngắn hạn như trên, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất xây dựng giải pháp dài hạn. Theo đó, sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN và pháp luật có liên quan, trong đó, có bổ sung quy định về thuế suất tối thiểu toàn cầu sau khi đã thực hiện thí điểm. Đồng thời, bổ sung nội dung quy định về quyền đánh thuế bổ sung phần thuế chênh lệch đối với các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Bộ Tài chính khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN sẽ được nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng, tổng thể để trình Quốc hội xem xét thông qua theo Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV mà Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã đề ra.