Bất chấp khối ngoại bán ròng, Vn-Index tiếp tục thiết lập đỉnh mới

Hoa Sơn

Trong phiên cuối cùng của tháng 5/2021, bất chấp xu thế bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài cũng những thông tin khá kém lạc quan từ kết quả kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê vừa công bố, Vn-Index tiếp tục thiết lập và tìm kiếm các đỉnh mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phiên ngày đầu tuần (31/5-4/6) và là phiên cuối cùng của tháng 5/2021 đã mang lại luồng không khí mát lành cho thị trường chứng khoán và cả nhà đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh và thời tiết ngày càng "nóng".

Số liệu thị trường cho thấy, VN-Index kết phiên ngày 31/5 với mức tăng 0.57%, đạt mức 1.328,05 điểm. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index cũng tăng mức 2.38%, đạt 317.85 điểm.

Trên sàn HOSE, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 737 triệu đơn vị, giá trị 25.458,29 tỷ đồng, giảm 4,12% về khối lượng nhưng tăng 2,66% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 28/5. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 36,85 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.605 tỷ đồng. Trên sàn HNX, dường như dòng tiền bị tắc trên sàn HOSE đã chuyển hướng giúp HNX trở nên sôi động hơn khi chỉ số HNX-Index tiếp tục xu thế tăng điểm.

Theo thống kê của Vietstock, HPG vẫn là mã dẫn đầu nhóm cổ phiếu đóng góp tăng cho VN-Index với hơn 3 điểm. Tiếp theo sau là các mã CTG, BID, ACB, VIB, STB,… Ngược lại, VIC và VHM là những mã đứng đầu nhóm đóng góp giảm.

Xét về nhóm, ngành, Chứng khoán có mức tăng trưởng lớn nhất thị trường với hơn 6%. Khai khoáng, vật liệu xây dựng cùng vượt hơn 5%. Ở nhóm ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là các cổ phiếu ngành thép có phiên tăng trưởng khá ấn tượng. Các ông lớn trong ngành cũng tạo điểm nhấn lớn. HSG tăng hơn 6%, NKG tiến gần 4%, trong khi HPG xuất hiện giá tím...

Thị trường UPCoM cũng cho thấy sự hào hứng của các nhà đầu tư khi có phiên tăng theo các thị trường khác. Thống kê phiên 31/5 cho thấy, UPCoM-Index tăng 2,66 điểm (+3,09%), lên 88,77 điểm với 164 mã tăng và 118 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 107 triệu đơn vị, giá trị 1.898 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 17,7 triệu đơn vị, giá trị 215,66 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, cả bốn hợp đồng tương lai đều kết phiên tăng, trong đó, VN30F2106 đáo hạn gần nhất tăng 17 điểm (+1,2%), lên 1.479,5 điểm, với khối lượng khớp lệnh có hơn 211.790 đơn vị, khối lượng mở 30.140 đơn vị.

Tâm điểm của phiên cuối tháng 5 có lẽ chính là động thái trái chiều của nhà đầu tư nước ngoài. Thống kê cho thấy, khối ngoại bán ròng hơn 1,600 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng hơn 28 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực bán ròng tập trung ở các cổ phiếu HPG, MBB và VCB trên sàn HOSE; PVS, VCS và APS trên sàn HNX.

Tuy nhiên, động thái này của khối ngoại không làm mất đi niềm vui và sắc màu của các thị trường. Theo nhận định của Bloomberg, ở Việt Nam, khi nhà đầu tư ngoại liên tục bán ra thì nhà đầu tư nội tiếp tục là động lực nâng đỡ chỉ số trong 5 tháng đầu năm 2021.

Rõ ràng, khi mà lãi suất tương đối thấp cùng với sự phát triển của các dịch vụ môi giới cung cấp cho khách hàng cá nhân, đây chính là các động lực hỗ trợ, thu hút và giữ chân các nhà đầu tư cá nhân tiếp tục tham gia vào thị trường.

Ngoài ra, những hạn chế mới về di chuyển đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư cá nhân tiếp tục chọn chứng khoán là kênh đầu tư để có thể bù đắp thu nhập đã mất đi hoặc thay thế cho khoản tiền gửi ngân hàng với lãi suất quá thấp như hiện nay.