Chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán
Bài viết phân tích các yếu tố tác động, từ đó đề xuất, khuyến nghị giải pháp góp phần nâng cao chất lượng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thực tiễn cho thấy, có nhiều yếu tố tác động đến chất lượng báo cáo tài chính, tuy nhiên, rõ nét nhất là các yếu tố cơ bản sau: Cơ cấu vốn và nguồn vốn; khả năng thanh toán ngắn hạn, dài hạn; Các chỉ số đòn bẩy tài chính trong các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính; Rủi ro tài chính... Bài viết phân tích các yếu tố tác động, từ đó đề xuất, khuyến nghị giải pháp góp phần nâng cao chất lượng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Những yếu tố tác động đến chất lượng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp
Để thông tin báo cáo tài chính (BCTC) của các doanh nghiệp (DN) niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam là hữu ích, thì việc nhận diện những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng BCTC là một mắt xích quan trọng. Thông qua phân tích định tính, khảo sát thực tiễn, tác giả thấy rằng, chất lượng BCTC của các DN niêm yết trên TTCK Việt Nam bị tác động bởi các yếu tố cụ thể sau:
Tại Việt Nam, trong những năm qua, thị trường vốn tiếp tục phát triển mạnh mẽ gắn với cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó, góp phần thúc đẩy các DN niêm yết phải nâng cao chất lượng BCTC trước khi công bố rộng rãi.
Về cơ cấu vốn và nguồn vốn:
Khi phân tích cơ cấu nguồn vốn (CCNV) của DN trước hết phải xác định tỷ trọng của từng loại nguồn vốn chiếm trong tổng số của nó ở cả thời điểm đầu năm (năm trước) và cuối kỳ (năm nay). Kết luận chính xác về CCNV sẽ giúp nhà quản trị DN kịp thời đưa ra các quyết định trong quản lý nguồn vốn, do vậy, ngoài phân tích CCNV chung, nhà phân tích cũng nên đánh giá về một số thành phần vốn quan trọng của DN như:
- Tỷ lệ nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu (VCSH) = Tổng nợ phải trả/Tổng VCSH (1)
Trong đó, chỉ tiêu (1) là chỉ tiêu phản ánh tổng quát nhất về CCNV của DN. Chỉ tiêu này càng cao thể hiện CCNV càng rủi ro của DN;
- Tỷ lệ vay ngắn hạn/Tổng nguồn vốn = Tổng vay ngắn hạn/Tổng nguồn vốn (2)
- Tỷ lệ nợ phải trả người bán/Tổng nguồn vốn
= Tổng nợ phải trả người bán/Tổng nguồn vốn (3)
- Tỷ lệ nợ ngắn hạn/Tổng nợ phải trả = tổng nợ ngắn hạn/Tổng nợ phải trả (4)
Chỉ tiêu (2), (3), (4) cho phép nhà phân tích đánh giá về nhu cầu tiền và các nguồn tài trợ trong ngắn hạn của DN. Nếu các chỉ tiêu này cao thể hiện hoạt động kinh doanh (HĐKD) của DN phụ thuộc nhiều vào việc tài trợ vốn ngắn hạn, đồng thời, cũng thể hiện nhu cầu thanh toán trong ngắn hạn của DN lớn. Thông qua tỷ trọng của từng nguồn vốn, có thể đánh giá được sự lệ thuộc về tài chính hay ngược lại là sự tự chủ về tài chính của DN.
Về khả năng thanh toán (KNTT) ngắn hạn, dài hạn:
KNTT ngắn hạn là năng lực đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán trong thời gian ngắn của DN (trong thời hạn dưới 12 tháng kể từ ngày ghi nhận gần nhất trên Bảng cân đối kế toán). Ngược lại, KNTT dài hạn là năng lực đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán trên 12 tháng của DN. Chỉ số đo lượng KNTT phổ biến, nhất là thanh toán ngắn hạn và thanh toán nhanh:
- Chỉ số thanh toán ngắn hạn = Tổng tài sản ngắn hạn/Tổng nợ ngắn hạn
- Chỉ số thanh toán nhanh = Tài sản nhanh/Tổng nợ ngắn hạn
Sự khác biệt giữa nợ ngắn hạn và nợ dài hạn là KNTT lãi vay và mức độ rủi ro tài chính. Trong đó, một số chỉ tiêu nhà quản trị DN cần quan tâm khi phân tích KNTT dài hạn như sau:
- Hệ số KNTT lãi vay = Lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT)/Chi phí lãi vay
- Hệ số nợ = Nợ phải trả/Tổng tài sản.
- Hệ số nợ/VCSH = Nợ phải trả/VCSH
- Hệ số thanh toán tài sản dài hạn đối với nợ dài hạn = Tài sản dài hạn/Nợ dài hạn
Các chỉ tiêu hệ số nợ, hệ số tài trợ hay hệ số nợ phải trả/VCSH đều thể hiện mức độ rủi ro tài chính mà các chủ nợ phải gánh chịu. Hệ số nợ và hệ số nợ phải trả VCSH cao, thể hiện mức độ rủi ro tài chính lớn, vì vậy, KNTT gốc nợ vay dài hạn sẽ kém. Ngoài ra, các chỉ tiêu này còn thể hiện khả năng bảo vệ cho các chủ nợ trong trường hợp DN mất KNTT.
Về khả năng sinh lời (KNSL):
Một DN có KNSL khi và chỉ khi năng lực tạo lợi nhuận của DN lớn hơn mức mà nhà đầu tư có thể tự tạo ra trên thị trường vốn.
- Tỷ suất sinh lời của vốn: Chỉ tiêu này cho biết KNSL thực sự của vốn trong kỳ hoạt động hoặc kỳ vọng cho kỳ tới. Chỉ tiêu này cao, mức độ an toàn trong HĐKD được bảo đảm; chỉ tiêu này thấp, thì độ rủi ro sẽ cao.
- Tỷ suất sinh lời của doanh thu: Chỉ tiêu này cho biết sau một kỳ hoạt động hoặc kỳ vọng cho kỳ tới, DN thu được 100 đồng doanh thu hoặc doanh thu thuần, thì trong đó có bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. Chỉ tiêu này thể hiện trình độ kiểm soát chi phí của các nhà quản trị và tình hình mở rộng thị trường.
- Tỷ suất sinh lời của VCSH: Chỉ tiêu này cho biết KNSL của VCSH trong kỳ hoạt động hoặc kỳ vọng cho kỳ tới. Nếu chỉ tiêu này cao, các nhà quản trị có thể phát hành thêm cổ phiếu, huy động thêm vốn góp đầu tư cho HĐKD. Nếu thấp khi đó dấu hiệu rủi ro tài chính xuất hiện, nguy cơ phá sản là hiện hữu.
Về hiệu quả kinh doanh (HQKD):
HQKD được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau, chủ yếu được tiến hành thông qua phân tích, xem xét sự biến động của từng chỉ tiêu trên các kết quả HĐKD giữa kỳ này với kỳ trước dựa vào việc so sánh cả về số lượng tuyệt đối và tương đối trên từng chỉ tiêu giữa kỳ này với kỳ trước.
Sau khi tiến hành phân tích số liệu trên báo cáo KQKD, cần phải tiến hành tính toán, phân tích các chỉ tiêu phản ánh mức độ sử dụng các khoản chi phí, các chỉ tiêu phản ánh kết quả kinh doanh của DN, cụ thể:
Thứ nhất, nhóm chỉ tiêu phản ánh mức độ sử dụng chi phí:
- Tỷ suất giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần (DTT). Chỉ tiêu này cho biết, trong tổng số doanh thu thuần thu được, trị giá vốn hàng bán chiếm bao nhiêu %. Chỉ tiêu này càng nhỏ cho thấy, việc quản lý các khoản chi phí trong giá vốn hàng bán càng tốt và ngược lại. Tỷ suất giá vốn bán hàng trên DTT = (Giá vốn hàng bán/DTT) x 100.
- Tỷ suất chi phí bán hàng trên DTT. Chỉ tiêu này phản ánh để thu được 100 đồng DTT, DN phải bỏ ra bao nhiêu chi phí bán hàng. Chỉ tiêu này càng nhỏ chứng tỏ DN tiết kiệm được chi phí bán hàng và kinh doanh có hiệu quả và ngược lại. Tỷ suất chi phí bán hàng trên DTT = (Chi phí bán hàng/DTT) x 100.
- Tỷ suất chi phí quản lý trên DTT. Chỉ tiêu này cho biết, để thu được 100 đồng DTT, thì DN phải bỏ ra bao nhiêu chi phí quản lý DN. Chỉ tiêu này càng nhỏ thì hiệu quả quản lý các khoản chi phí quản trị DN càng cao và ngược lại.
- Tỷ suất chi phí quản lý DN trên DTT = (Chi phí quản lý/DTT) x 100.
Thứ hai, nhóm các chỉ tiêu trên BCTC phản ánh kết quả kinh doanh:
- Tỷ suất lợi nhuận (TSLN) thuần từ HĐKD trên DTT: Chỉ tiêu này phản ánh kết quả của HĐKD và cho biết, cứ 100 đồng DTT sinh ra bao nhiêu đồng lợi nhuận từ HĐKD.
- TSLN thuần từ HĐKD trên DTT = (Lợi nhuận thuần từ HĐKD/DTT) x 100.
- TSLN trước thuế trên DTT: Chỉ tiêu này phản ánh kết quả của các hoạt động DN tiến hành và cho biết cứ 100 đồng DTT có bao nhiêu lợi nhuận trước thuế.
- TSLN trước thuế trên DTT = (Lợi nhuận trước thuế/DTT) x 100.
- TSLN sau thuế trên DTT: Chỉ tiêu này phản ánh kết quả cuối cùng của HĐKD và cho biết cứ 100 đồng DTT thì có bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế.
- TSLN sau thuế trên DTT = (Lợi nhuận sau thuế/DTT) x 100.
Về rủi ro tài chính (RRTC):
Để biết được mức độ RRTC của DN, thông thường sử dụng một số chỉ tiêu liên quan đến phân tích tình hình công nợ và KNTT của DN. Ngoài các chỉ tiêu trên, DN còn sử dụng chỉ tiêu quan trọng khác sau đây:
- Hệ số nợ trên tài sản = Tổng số nợ/Tổng số tài sản. Chỉ tiêu này nói lên rằng, trong tổng tài sản hiện có của DN thì có bao nhiêu đồng do vay nợ mà có, do vậy, hệ số này càng lớn và có xu hướng tăng, chứng tỏ RRTC càng tăng và ngược lại.
- Hệ số nợ trên tài sản ngắn hạn = Nợ ngắn hạn/Tài sản ngắn hạn. Chỉ tiêu này cần được chú ý và quan tâm nhiều hơn do phạm vi của nó tạo ra.
- Hệ số thu hồi nợ = (DTT/Số dư bình quân các khoản phải thu) x 100. Chỉ tiêu này nói lên rằng, nếu doanh thu bán chịu, bán chậm càng giảm số dư nợ phải thu giảm đi thì hệ số thu nợ càng tăng và RRTC càng giảm và ngược lại.
- Thời hạn thu hồi nợ bình quân = (Thời gian trong kỳ báo cáo/Hệ số thu hồi nợ) x 100. Thời hạn trong kỳ báo cáo là đại lượng cố định, do vậy thời hạn thu hồi nợ tùy thuộc vào hệ số thu hồi nợ. Như vậy, khi hệ số thu hồi nợ tăng, thời hạn thu hồi nợ sẽ giảm, RRTC giảm và ngược lại.
- Hệ số quay vòng hàng tồn kho (HTK) = (Trị giá vốn hàng xuất bản/Số dư bình quân HTK) x 100. Chỉ tiêu này nói lên rằng, việc rút ngắn chu kỳ sản xuất, sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó, hoặc mua nhanh, bán nhanh thì giá trị HTK sẽ giảm hợp lý, do vậy hệ số vòng quay sẽ tăng và RRTC sẽ giảm và ngược lại.
- Thời hạn quay vòng HTK = (Thời gian trong kỳ báo cáo/Hệ số quay vòng HTK) x 100. Như vậy, khi hệ số quay vòng HTK càng lớn và có xu hướng tăng lên, thì số ngày cần thiết cho một vòng quay càng nhỏ và có xu hướng càng giảm, khi đó RRTC càng giảm và ngược lại.
- Hệ số thanh toán lãi vay = (Tổng lợi nhuận trước thuế/Chi phí lãi vay) x 100. Chỉ tiêu này nói lên rằng, sản xuất kinh doanh càng có hiệu quả, lãi càng tăng thì hệ số thanh toán lãi vay càng tăng, RRTC càng giảm và ngược lại.
Về các chỉ số đòn bẩy tài chính trong các chỉ tiêu trên BCTC:
Đòn bẩy tài chính (ĐBTC) đề cập tới việc DN sử dụng nguồn tài trợ từ các khoản vay thay cho vốn cổ phần. DN càng nợ nhiều thì càng có nguy cơ cao mất khả năng hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, dẫn tới xác suất phá sản và kiệt quệ tài chính cao. Tuy nhiên, nợ cũng là một dạng tài trợ tài chính quan trọng và tạo lợi thế lá chắn thuế cho DN do lãi suất tiền vay được tính như một khoản chi phí hợp lệ và miễn thuế.
- Chỉ số nợ = Tổng nợ/Tổng tài sản.
- Chỉ số nợ – vốn cổ phần = Tổng nợ/Tổng vốn cổ phần.
- Số nhân vốn cổ phần = Tổng tài sản/Tổng vốn cổ phần.
Các chỉ số nợ cung cấp thông tin bảo vệ chủ nợ tình huống mất KNTT của DN và thể hiện năng lực tiếp nhận các nguồn tài chính từ bên ngoài, đáp ứng nhu cầu đầu tư và phát triển của DN. Trên thực tế, giá trị kế toán của các khoản nợ có thể khác rất nhiều so với giá trị thị trường. Một số hình thức nợ không được thể hiện trên bảng cân đối kế toán như nghĩa vụ trả tiền hưu trí hay thuê tài sản.
Ngoài ra, các chỉ tiêu trên BCTC còn phải chú ý đến một số chỉ tiêu như: Cổ tức, thu nhập trên mỗi cổ phiếu, giá trên thu nhập của cổ phiếu, cổ tức trên thu nhập, cổ tức trên thị giá…
Về quản trị doanh nghiệp (QTDN):
QTDN đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo chất lượng BCTC. Mối quan hệ giữa QTDN và chất lượng BCTC đã được xem xét rộng rãi. Nghiên cứu quy tắc cơ chế quản trị về chất lượng thông tin tài chính thấy rằng, QTDN ảnh hưởng đến chất lượng kế toán (Klai và Omri, 2011). Các công ty có QTDN mạnh có thể đưa ra các BCTC chất lượng cao (Cao, Ying, Linda, Omer & Thomas, 2011).
Về thị trường vốn:
Kết quả khảo sát và nghiên cứu 166.903 BCTC hàng năm của các DN niêm yết công khai tại 38 thị trường vốn chính trong giai đoạn 2000-2007 cho thấy, thị trường vốn của các quốc gia phát triển như: Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Australia báo cáo chất lượng BCTC cao hơn so với những thị trường mới nổi báo cáo. Những thị trường vốn có sự bảo vệ nhà đầu tư và thực thi pháp lý mạnh mẽ tạo ra chất lượng BCTC cao (Tang, Chen và Lin, 2012).
Tại Việt Nam, trong những năm qua, thị trường vốn tiếp tục phát triển mạnh mẽ gắn với cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó, góp phần thúc đẩy các DN niêm yết phải nâng cao chất lượng BCTC trước khi công bố rộng rãi.
Về kiểm soát nội bộ (KSNB):
KSNB hiệu quả luôn làm giảm rủi ro thông tin và tăng cường tính đầy đủ và chính xác của thông tin theo kế hoạch. Theo Viện Kế toán Công chứng Hoa Kỳ (GAAP), tạo ra BCTC đáng tin cậy và đạt được các mục tiêu BCTC, KSNB mạnh mẽ đối với BCTC là một trong những yếu tố cần thiết để tạo ra BCTC đáng tin cậy và đạt được các mục tiêu BCTC.
Về hệ thống báo cáo nội bộ (BCNB):
Hệ thống BCNB kiểm tra xem thông tin tài chính có đáp ứng các tiêu chí về mức độ dễ hiểu, mức độ phù hợp, độ tin cậy và khả năng so sánh để đảm bảo đạt được các quyết định kinh tế của nhà quản trị DN hay không. Đồng thời, nó cũng cho phép tương tác và giao tiếp giữa các cấp quản lý và cấp hoạt động. Một hệ thống BCNB hiệu quả sẽ khuyến khích tạo ra các thông tin chất lượng cao, đồng thời giúp các nhà quản lý đối phó với các thông tin công bố cho các đối tác bên ngoài (Lius, 2011).
Về chuẩn mực kế toán:
Các nghiên cứu cho thấy, BCTC sử dụng GAAP cung cấp thông tin được trình bày minh bạch hơn so với báo cáo theo Chuẩn mực BCTC VAS21. Mặt khác, báo cáo theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS21) cung cấp nhiều thông tin liên quan hơn các báo cáo hàng năm theo GAAP của Hoa Kỳ. Các đặc tính định tính cơ bản giữa GAAP và VAS21 khác nhau đáng kể (Beest và ctg, 2009). GAAP nhấn mạnh đến đặc tính định tính cơ bản là trung thực, và VAS21 nhấn mạnh đặc điểm về độ tin cậy.
Về công nghệ thông tin (CNTT) và hệ thống thông tin kế toán (HTTTKT):
HTTTKT sẽ tạo ra thông tin có liên quan và đáng tin cậy (Mamić và Oluić, 2013). Việc sử dụng CNTT phù hợp là điều cần thiết cho HTTTKT, vì tất cả các hỗ trợ cho HTTTKT để tạo ra thông tin cần thiết trong một khoảng thời gian ngắn. CNTT có ảnh hưởng đáng kể đến HTTTKT từ các quan điểm vận hành, chuẩn bị, xử lý, trình bày và cung cấp thông tin kế toán.
Về kiểm toán:
Kiểm toán là công việc mang tính độc lập, giúp tăng cường độ tin cậy và tính hữu ích của BCTC (Francis và ctg, 1999). Kiểm toán là một phần không thể thiếu trong việc nâng cao chất lượng thông tin từ BCTC. Trong thời gian qua, trên TTCK Việt Nam, những yêu cầu ngày càng khắt khe về kiểm toán đã góp phần nâng cao chất lượng BCTC.
Về văn hóa: Chất lượng BCTC gắn liền với văn hóa của mỗi quốc gia. Theo Hashim (2012), sự kết nối giữa dân tộc và chất lượng BCTC hỗ trợ cho lý thuyết chi phí chính trị.
Về quy mô, tuổi đời của DN: Các nghiên cứu phát hiện ra rằng, có một mối tương quan lớn và tiêu cực giữa quy mô DN và chất lượng BCTC, vì các DN lớn hơn phơi bày các khoản dồn tích bất thường (Hope, Thomas & Vyas, 2011). Yếu tố này có ảnh hưởng lớn và đáng kể đến chất lượng BCTC (Hashim, 2012).
Đề xuất, khuyến nghị góp phần nâng cao chất lượng báo cáo tài chính
Có thể thấy rằng, việc tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng BCTC là một nhiệm vụ quan trọng, để nâng cao chất lượng BCTC, góp phần giúp cung cấp các thông tin hữu ích, đáng tin cậy và đạt các yêu cầu về chất lượng thông tin. Từ kết quả khảo sát và nghiên cứu cho thấy, để nâng cao chất lượng báo cáo BCTC, cần chú trọng một số nội dung sau:
Về các DN niêm yết: Tăng cường ý thức trách nhiệm trong xây dựng và công bố BCTC đạt tiêu chuẩn theo quy định; Đầu tư phát triển hệ thống thông tin trong DN; Hoàn thiện hệ thống quản trị công ty và xây dựng hệ thống kiểm toán nội bộ trong DN...
Về phía cơ quan quản lý: Hoàn thiện môi trường pháp lý về lĩnh vực kế toán, kiểm toán và công bố thông tin như: Sửa đổi chuẩn mực kế toán, kiểm toán theo hướng tiệm cận với chuẩn mực kế toán quốc tế; Hoàn thiện các quy định về trình bày và công bố thông tin trên TTCK; Tăng cường các chế tài xử phạt nhằm đủ sức răn đe đối với các DN niêm yết không tuân thủ các quy định về công bố thông tin. Đặc biệt, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, bao gồm cả giải pháp trực tiếp đối với hệ thống chuẩn mực kế toán và những giải pháp giúp điều chỉnh môi trường kinh doanh đáp ứng hội nhập kinh tế quốc tế.
Về người sử dụng BCTC: Lưu ý cơ cấu sở hữu vốn của DN niêm yết, bởi theo kết quả nghiên cứu các công ty có tỷ lệ sở hữu nước ngoài và sở hữu nhà nước thường có mức độ minh bạch BCTC cao hơn. Đồng thời, cần tìm hiểu những thông tin mang tính chất tự nguyện cung cấp trong BCTC, vì mức độ cung cấp thông tin tự nguyện càng cao đồng nghĩa với sự minh bạch thông tin càng lớn.
Tài liệu tham khảo:
1. Công ty Vietstock (2020), Báo cáo tài chính quý IV và sau kiểm toán của các công ty xây dựng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoan 2014-2020, Công ty Vietstock;
2. Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 29: Thay đổi chính sách kế toán, thay đổi ước tính kế toán và các sai sót;
3. Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 21: Hướng dẫn về trình bày báo cáo tài chính;
4. Chuẩn mực kế toán quốc tế số 08: Thay đổi chính sách kế toán, thay đổi ước tính kế toán và các sai sót;
5. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 450 (ISA 450): Đánh giá sai sót trong quá trình kiểm toán.
(*) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2021