Bắt đầu rà soát các giao dịch bất động sản đáng ngờ
TP. Hồ Chí Minh đã chính thức yêu cầu rà soát các giao dịch đáng ngờ trong mua bán bất động sản để thực hiện phòng chống rửa tiền theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng.
Thực hiện mục tiêu phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh vừa có công văn yêu cầu các doanh nghiệp, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn thực hiện quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố theo quy định pháp luật.
Khó khả thi
Theo công văn của Sở Xây dựng, các sàn giao dịch bất động sản cần thực hiện các quy định về nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin khách hàng, rà soát các giao dịch, áp dụng biện pháp tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao.
Sở cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đánh giá rủi ro tiền, tài trợ khủng bố tại chính tổ chức mình về các giao dịch bất động sản. Đồng thời, đối với các giao dịch giao dịch tiền mặt có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên cần lập và gửi báo cáo về Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước).
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, ông Đinh Duy Trinh - Tổng giám đốc Công ty VNG Real thừa nhận hiện nay người dân khi đi mua nhà đất thường thanh toán theo 2 hình thức: Tiền mặt hoặc chuyển khoản qua ngân hàng. Đa số, người dân vẫn muốn trực tiếp đến công ty nộp lấy chứng từ, hóa đơn cho yên tâm, sau này có vấn đề gì còn làm bằng chứng khởi kiện nên tỷ lệ giao dịch tiền mặt chiếm chủ yếu.
“Quy định này khá chung chung, không có chế tài đủ mạnh cũng như không có hậu kiểm nên các sàn có thể không tuân thủ cũng như đưa ra các báo cáo không đầy đủ và trung thực. Do đó, việc yêu cầu báo cáo các giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên rất khó kiểm soát” – ông Trinh chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc thực hiện công tác phòng chống rửa tiền là quy định bắt buộc đối với các doanh nghiệp bất động sản. Đặc biệt cần trang bị đầy đủ kiến thức về lĩnh vực này cho cho các nhà môi giới. Các môi giới phải có trách nghiệm báo cáo các trường hợp giao dịch nghi là có hành vi này.
Song theo ông Đính, hiện các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều chế tài đối với các hoạt động của những người làm dịch vụ, môi giới bất động sản chưa tuân thủ quy định pháp luật, trong đó có quy định chống rửa tiền, nhưng việc thực hiện của các doanh nghiệp như thế nào lại là chuyện khác.
“Trong hoạt động của các doanh nghiệp, các đơn vị sàn giao dịch bất động sản hiện nay, hàng tháng họ cần phải làm là báo cáo với Sở Xây dựng về việc họ bán sản phẩm gì, bán bao nhiêu họ còn chưa làm, chưa tuân thủ nghiêm túc. Cho nên thực hiện công tác báo cáo về công tác phòng chống rửa tiền - nhiệm vụ mà có khi an ninh còn chưa phát hiện ra, thì đối với các doanh nghiệp bất động sản là rất khó” – Ông Đính lấy ví dụ.
Cơ chế giám sát chưa chặt chẽ
Theo các chuyên gia, không thể phủ nhận nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là rất lớn, tuy nhiên quy định này sẽ rất khó thực hiện do các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản rất khó kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh dẫn chứng, từ năm 2009 Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định phòng chống rửa tiền, với mức từ 200 triệu đồng và các giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ. Ngoài bất động sản còn có chứng khoán và ngân hàng cũng bị áp dụng quy định này.
“Hiện nay Luật Kinh doanh Bất động sản không quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn và người mua cũng có thể mua trực tiếp từ chủ đầu tư. Do vậy, số lượng giao dịch qua sàn không nhiều nên báo cáo cũng không phản ánh được hết thực tế giao dịch trên thị trường. Nếu muốn kiểm soát rửa tiền thì cần phải quy định tất cả giao dịch bất động sản phải qua ngân hàng. Đồng thời cả tài chính, thuế vào cuộc mới giải quyết được vấn đề” – Ông Châu phân tích.
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân cho biết, ở nước ta, nhiều đối tượng lợi dụng đầu tư bất động sản để để rửa tiền “bẩn” từ các hoạt động tội phạm. Thế nhưng, các giao dịch mua bán tài sản có giá trị lớn như bất động sản vẫn được thực hiện bằng tiền mặt, cơ chế giám sát còn chưa chặt chẽ dẫn đến tạo điều kiện cho các hoạt động này phát triển.
Ông Hiếu cho rằng, để phòng chống và ngăn ngừa nguy cơ rửa tiền, quy định pháp luật nên bắt buộc các giao dịch bất động sản, giao dịch mua bán giá trị lớn phải thông qua ngân hàng, hạn chế giao dịch bằng tiền mặt.
"Với cách làm này, khi tiền đã qua ngân hàng, các ngân hàng sẽ có trách nhiệm xác minh nguồn tiền và báo cáo lên các cơ quan chức năng khi có sai phạm" - ông Hiếu cho biết.