Bật đèn xanh cho thanh toán điện tử
Hầu hết số lượng và giá trị giao dịch thanh toán điện tử mới đang dừng lại ở loại hình đơn giản như chuyển tiền, thanh toán tiền điện thoại, tiền điện, nước, trong khi quy mô hoạt động của lĩnh vực này rất rộng .
Theo số liệu thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), 6 tháng đầu năm, số lượng giao dịch thanh toán điện tử tăng 30%; giá trị giao dịch tăng 18% và thanh toán qua internet tăng 238%.
Sự góp mặt của 154 công ty công nghệ tài chính (Fintech) và hàng chục công ty thanh toán trên thị trường chứng tỏ tiềm năng phát triển của thương mại điện tử rất lớn.
Các mảng giao dịch không đồng đều
Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, 6 tháng đầu năm 2019, số lượng giao dịch không dùng tiền mặt đã tăng 30%, giá trị giao dịch không dùng tiền mặt tăng 18%, đặc biệt là giá trị giao dịch thông qua Internet di động tăng tới 238%.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết những con số về tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt là rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra có thể thấy hầu hết các mảng giao dịch hiện không có sự đồng đều, còn rất nhiều mảng thanh toán không dùng tiền mặt đến nay vẫn khá yếu. Hiện có đến 90% khách hàng mua hàng trực tuyến thanh toán theo hình thức dùng tiền mặt (COD), nghĩa là khi giao hàng thì người nhận sẽ trả tiền. Điều này đã tạo ra rào cản cho thương mại điện tử.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel, cho hay mặc dù năm 2019 có tốc độ tăng trưởng thanh toán điện tử số 1 thế giới nhưng “tiền mặt vẫn đang là được gọi là vua ở Việt Nam”. Thời gian qua, với hàng trăm công ty Fintech và hàng chục công ty thanh toán có mặt trên thị trường chứng tỏ tiềm năng phát triển của thương mại điện tử rất lớn. Tuy nhiên, hầu hết số lượng và giá trị giao dịch mới đang dừng lại ở loại hình đơn giản như chuyển tiền, thanh toán tiền điện thoại, tiền điện, nước… Nguyên nhân dẫn đến việc chưa đa dạng hóa các loại hình thanh toán là do các tính năng ứng dụng dành cho người sử dụng chưa nhiều.
Ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), cho biết hiện tại có 154 công ty hoạt động về Fintech ở Việt Nam, chủ yếu là mảng thanh toán điện tử, tiếp đến là lĩnh vực cho vay, đồng thời có 22 công ty trong lĩnh vực tiền mã hóa và các khoản nợ thanh toán.
“Số lượng chưa phải là quá nhiều nhưng dư địa còn lại là rất lớn và nhiều tiềm năng như cho vay ngang hàng (P2P Lending), huy động vốn từ các cộng đồng lớn qua mạng internet, qua các kênh khác nhau là ngân hàng điện tử, ngân hàng mã hóa…”, ông Tuấn nói.
Điều kiện đã thuận, chỉ còn thiếu luật
Các nước trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore đã có bước đi sớm và mở rộng cửa để phát triển Fintech, hiện cách xa Việt Nam trên hầu hết các phương diện. Dẫu vậy, các chuyên gia cũng đánh giá Việt Nam có lợi thế với dân số đông, tỷ lệ người trẻ dùng điện thoại thông minh ngày càng tăng. Ngoài ra, Chính phủ gần đây đã ban hành nhiều chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt…
Hầu hết các chuyên gia đều khẳng định nguyên nhân là do thiếu khung pháp lý, thiếu cơ chế của cơ quan quản lý.
Phân tích về tính pháp lý trong thanh toán điện tử, Tổng Thư ký VAFI cho rằng để người chơi, doanh nghiệp cung cấp, người tiêu dùng có thể tham gia cần có những bước hiện thực hóa, quy định bằng những chính sách cụ thể.
Đồng tình, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định tất cả chính sách phải từ nhu cầu cuộc sống, bởi hiện tại rất nhiều ý kiến cho rằng có thể thanh toán qua tài khoản viễn thông.
“Cần tạo ra trải nghiệm dễ dàng cho người dân và đặc biệt là bảo đảm sự an toàn trong thanh toán. Ngoài ra, khi nói đến thanh toán điện tử thì độ phủ của nó lớn hơn rất nhiều, đặc biệt với những vùng sâu, vùng xa, khi mà người dân chưa có tài khoản ngân hàng”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, với những khoản thanh toán hàng hóa giá trị nhỏ, bằng tài khoản viễn thông sẽ là điểm bùng phát cho thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam. “Với việc thanh toán bằng mobile money, chúng tôi nghĩ rằng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, những tranh chấp trong thương mại điện tử sẽ được giải quyết rất dễ dàng, độ tin cậy rất cao và các trải nghiệm của người tiêu dùng sẽ nói lên lợi ích khi người dân tham gia thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Hải nói.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, lượng người sử dụng tài khoản mobile money tăng gấp hàng chục lần trong năm qua. Chính vì vậy, cần có cơ sở hạ tầng mạnh để đáp ứng lượng giao dịch khổng lồ này.