Bất động sản Đà Nẵng có bứt phá sau thời dịch COVID-19?
Những cơn “sốt ảo”, tính pháp lý của các dự án, việc quản lý chặt chẽ chính quyền, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19… đã khiến thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng “ảm đạm” trong thời gian qua. Tuy vậy, theo các chuyên gia, những vấn đề trên không thể “kìm hãm” sự phát triển của thị trường BĐS Đà Nẵng.
Bứt phá từ “cú hích” ngoại lực
Sau nhiều tranh cãi, TP. Đà Nẵng cũng đã chốt phương án sẽ xây dựng cảng biển Liên Chiểu. Khi cảng Liên Chiểu được xây dựng và đưa vào hoạt động thì cảng Tiên Sa sẽ được quy hoạch trở thành cảng du lịch trong tương lai.
Bên cạnh đó, Khu Công nghệ cao đã gần như hoàn thành việc đầu tư hạ tầng và đang trong giai đoạn đẩy mạnh thu hút đầu tư, việc phát triển của Khu Công nghệ cao cũng góp phần tạo nên sự nhộn nhịp cho thị trường bất động sản ở khu vực Tây Bắc Đà Nẵng.
Cùng với đó, tuyến đường Nguyễn Tất Thành hoàn thành đã trở thành trục đường chính nối khu vực cửa ngõ Tây Bắc với các trục đường huyết mạch như đường tránh phía Nam Hầm đường bộ Hải Vân – Túy Loan, tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Tuyến đường này cũng là tuyến đường kết nối khu vực trung tâm thành phố, khu vực Sơn Trà với các khu đô thị sinh thái Golden Hills, khu công nghệ cao Đà Nẵng, khu CNTT tập trung…
Ngoài ra, TP. Đà Nẵng cũng đang xúc tiến di dời nhà ga đường sắt từ trung tâm thành phố về Liên Chiểu, khởi công xây dựng công trình đường vành đai tây 2 - đường và cầu qua sông Cổ Cò, Làng Đại Học được bố trí vốn, Khu du lịch sinh thái Làng Vân và thành phố đang đẩy mạnh thu hút đầu tư…, sẽ là những “cú hích” lớn để bất động sản Đà Nẵng vượt qua thời gian “ảm đạm” như hiện nay.
Đặc biệt, mới đây, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành văn bản số 1141/UBND-KTTC về việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID 19.
Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tháo gỡ các khó khăn liên quan đến lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, UBND TP. Đà Nẵng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng sớm chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của các khách hàng, doanh nghiệp đang vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19.
Từ đó, tạo điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ ảnh hưởng bởi dịch và cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất kinh doanh. Đây cũng là một "cú hích" không hề nhỏ để giúp những nhà đầu tư “khát vốn” vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nhận định của chuyên gia
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Trần Ngọc Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty thành viên và Giám đốc khối đầu tư Công ty Đất Xanh Miền Trung cho biết, năm 2019 là một năm rất khó khăn, sự khó khăn này sẽ khéo sang năm 2020 là điều chắc chắn. Nhưng không ngờ được trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán bùng phát thông tin bệnh dịch nên bất động sản cũng chịu một phần tác động trong đó.
Theo ông Thái, năm 2019 giá cả thị trường bất động sản Đà Nẵng giảm xuống khoảng 20 đến 30%, thậm chí là 50% ở một số nơi nóng. Đầu năm 2020, dịch bệnh xảy ra đã làm cho nhu cầu cũng như ý nghĩ về đầu tư bất động sản giảm đi nhiều.
Ông Thái cho rằng, thời điểm quý II đến quý III năm nay là thời điểm mua vào của bất động sản giá sẽ là tốt nhất. Tuy nhiên, giá trị bất động sản sẽ rất khó giảm, bởi giá vốn của bất động sản hiện nay rất lớn, chỉ có những ai quá bức bách thì người ta mới hạ giá xuống một ít để mong thanh khoản, chứ không như ngày xưa là giảm giá không phanh.
“Hiện nay, các nhà đầu tư tiềm lực lớn hơn nhiều so với ngày xưa. Các chủ đầu tư đã tích luỹ từ ngày xưa đến bây giờ, vừa tích luỹ về tài chính, vừa tích luỹ về kinh nghiệm và tích luỹ về độ chịu đòn nên chắc chắn sẽ không có những quyết định để ảnh hưởng đến thị trường chung cũng như các mong muốn riêng của các chủ đầu tư đó”, ông Thái nói.
Cũng theo ông Thái, giá bất động sản có tăng hay không thì nó dựa vào sự phát triển đồng bộ của một khu vực. Ở khu vực có phát triển mạnh về hạ tầng, dịch vụ, đô thị thì sẽ có lợi thế hơn so với những nơi khác.
Trao đổi với Nhadautu.vn trước đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, TP. Đà Nẵng là nơi đã được đầu tư quá mạnh của nhà nước và các doanh nghiệp, đặc biệt là hệ thống hạ tầng đô thị, các công trình công cộng, xã hội, dịch vụ thiết yếu… rất tốt, sự phát triển kinh tế của TP. Đà Nẵng đang rất mạnh.
Do đó, nhu cầu về BĐS của các nhà đầu tư tại TP. Đà Nẵng và nhà đầu tư ở các địa phương đến đầu tư ở đây là phải có. Thị trường BĐS ở TP. Đà Nẵng không phải là cao mà nó ở một mức khá phù hợp, nó tương xứng với một đô thị được đầu tư bài bản, hoàn chỉnh và có nhiều lợi thế như thế.
Theo ông Đính, quy luật của BĐS là phải tăng và chỉ kiểm soát để nó không thành "bong bóng", không quá "nóng" và làm thể nào để thị trường phát triển ổn định, bền vững và đi lên theo tỷ lệ nhất định.
“Trên cơ chế được và mất thì thị trường BĐS "ảm đạm" là bức tranh tối như mực của giới đầu tư BĐS nhưng cũng là cơ hội tốt cho người có nhu cầu thực sự mua để ở", ông Đính phân tích.