Bất động sản hướng đến giá trị bền vững sau cú sốc Covid-19
Chuyên gia nhận định, vượt qua cơn khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 thì các doanh nghiệp bất động sản sẽ có sự thay đổi lớn về cơ chế hoạt động. Thị trường hướng đến giá trị bền vững thay vì chỉ tập trung lợi nhuận.
"Chịu đau" tốt mới có thể trụ lâu trên thị trường
Dịch Covid-19 không chỉ tạo ra cú sốc mạnh đối với nền kinh tế Việt Nam mà còn khiến cho nhiều doanh nghiệp bất động sản lao đao vì lượng giao dịch giảm mạnh. Nhiều công ty địa ốc nhỏ mới thành lập và nhiều sàn môi giới nhỏ lẻ buộc phải đóng cửa hoặc tạm thời kích hoạt chế độ “ngủ đông”. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay đã có hơn 300 sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc cắt giảm quy mô, nhân sự.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land chia sẻ, dịch Covid-19 cũng là lúc các doanh nghiệp học cách thích ứng với thời cuộc. Những doanh nghiệp nào "chịu đau tốt" qua giai đoạn này thì mới có thể trụ lâu trên thị trường và tiếp tục phát triển những dòng sản phẩm có giá trị thực cho khách hàng.
Bà Hương cũng nhìn nhận khách quan rằng các doanh nghiệp bất động sản thực sự đã rất nhanh nhạy trước các tình huống “bất khả kháng”. Mặc dù Covid-19 không hề có trong kịch bản và nhiều công ty đã không chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án dự phòng cho tình huống này nhưng nhờ khả năng ứng biến nhanh nhạy, sự thích ứng kịp thời bằng các biện pháp công nghệ, hoạt động online tích cực đã giúp nhiều doanh nghiệp vẫn giữ được mức độ giao dịch ổn định và giảm tải đáng kể thiệt hại.
Ví dụ tại Khu đô thị Vạn Phúc, dù ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng các nhân viên vẫn tương tác tốt với khách hàng qua kênh online, các giao dịch vẫn diễn ra dù có giảm nhiều so với trước. Xu hướng của người mua vẫn hướng đến các sản phẩm được đầu tư bài bản và mang lại giá trị bền vững, đầu tư dài hạn thay vì lướt sóng.
Đơn vị này ứng dụng phần mềm Fastkey để thay thế cho việc phải gặp trực tiếp khách hàng. Cũng theo Tổng giám đốc Đại Phúc Land, việc chuyển đổi số trong bất động sản có thể diễn ra nhanh hơn thông qua đại dịch Covid-19. Nhiều công ty nhận ra rằng việc hướng dẫn nhân viên, môi giới làm quen với phương pháp làm việc online là điều cần thiết ở mọi thời điểm.
Tuy nhiên, theo bà Hương bất động sản vẫn là sản phẩm có giá trị lớn nên việc ứng dụng công nghệ chỉ bổ trợ thêm cho công tác bán hàng chứ không thể thay thế cách làm truyền thống. Dù vậy, bà Hương đánh giá khi đợt dịch qua đi thì cũng là lúc các doanh nghiệp bất động sản sẽ phải nhìn nhận lại về những ưu nhược điểm của doanh nghiệp mình và từ đó tìm cách thay đổi cho phù hợp. Những doanh nghiệp nào chưa ứng biến tốt trong đại dịch thì cần phải lên kế hoạch cụ thể, luôn dự phòng kịch bản trong các tình huống bất ngờ có thể ập đến như đại dịch Covid-19.
“Ví dụ như công ty chúng tôi đã lên sẵn hai kịch bản để trở lại. Nếu dịch chóng qua và nền kinh tế sớm hồi phục thì kịch bản sẽ là quý II/2020 hoặc nếu chậm hơn thì các kế hoạch mới sẽ được triển khai trong quý III. Hiện nay, theo tôi biết thì các doanh nghiệp có tiềm lực cũng đã chuẩn bị kế hoạch bài bản để sớm quay trở lại với thị trường. Đặc biệt là khi các cơ chế pháp lý được tháo gỡ thì bất động sản chắc chắn sẽ tiếp tục giữ đà tăng trưởng”, bà Hương chia sẻ thêm.
Bất động sản hướng đến giá trị thực, củng cố niềm tin cho khách hàng
Theo ông Trần Hữu Hạnh - Giám đốc Công ty Cổ phần An Điền, bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt và có giá trị lớn. Đối với người mua để ở, để đủ tiền mua có khi mất cả nữa cuộc đời. Do đó, người mua ở rất cẩn trọng khi giao dịch. Ngoài các yếu tố pháp lý, giá, phương thức thanh toán, tỉ suất sinh lời, hướng, booking... có thể giao dịch trực tuyến bằng nhiều công cụ như VR (thực tế ảo), Viber, Zalo, Skybe, Twitter, App, mail...
Tuy nhiên, theo ông Hạnh thì có 2 thói quen khó có thể thay đổi nhanh chóng trong hành vi của người mua ở đó là: Phải xem thực tế bất động sản muốn mua và phải gặp mặt cá nhân môi giới hay đơn vị môi giới để đánh giá mức độ tin cậy. Niềm tin phải trao đúng người.
Mấu chốt của kinh doanh bất động sản vẫn là niềm tin giữa người với ngoài (trừ nhóm thứ 1) nên “face to face” vẫn là kênh chủ đạo trong kinh doanh bất động sản tại Việt Nam trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, công nghệ sẽ bổ trợ nhiều nên không thể lơ là”, ông Hạnh nêu quan điểm.
Cũng theo ông Hạnh, thông qua đại dịch Covid-19 thì doanh nghiệp bất động sản sẽ thay đổi nhiều về cơ chế bán hàng. Từ quá trình thực hiện mọi hoạt động qua kênh online, các công ty cũng sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn và hướng đến các dòng sản phẩm có giá trị thực. Khi các chủ đầu tư được tôi luyện từ những khó khăn thì cũng sẽ có xu hướng ưu tiên đến phát triển đường dài, quan tâm đến yếu tố chất lượng nhiều hơn để tìm lại niềm tin của người mua nhà.