Bất động sản khát vốn, tăng huy động qua kênh trái phiếu
Quý IV được cho là giai đoạn nước rút đối với nhiều doanh nghiệp. Theo đó, nhu cầu vốn càng trở nên cấp thiết, đặc biệt là đối với doanh nghiệp bất động sản sau thời gian dài “nằm im” trong giãn cách. Thị trường trái phiếu bất động sản càng về cuối năm càng trở nên sôi động hơn, tiếp tục dẫn đầu về tổng giá trị phát hành.
Số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, có tổng cộng 53 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 10/2021 và 4 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị phát hành là 39.285 tỷ đồng.
Trong tháng qua, bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu về tổng giá trị phát hành với 16.575 tỷ đồng, chiếm 42% tổng giá trị phát hành của tháng. Đáng chú ý, trong đó có khoảng 25% trái phiếu phát hành bảo đảm bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm.
Trong nhóm Bất động sản, đợt phát hành có giá trị lớn nhất đến từ CTCP Osaka Garden (4.300 tỷ đồng) với kỳ hạn 2 năm, lãi suất 10,32%/năm cho kỳ đầu tiên và thả nổi ở các kỳ sau với mục đích nhằm đặt cọc chuyển nhượng dự án. Tiếp sau là CTCP Vinhomes phát hành 2.280 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng với mức lãi suất cho 4 kỳ đầu là 8,8%/năm, kỳ hạn 3 năm.
Hình 1: Giá trị phát hành trái phiếu theo ngành trong tháng 10/2021
Ngân hàng là nhóm ngành xếp thứ 2 sau bất động sản, với tổng giá trị phát hành 8.770 tỷ đồng, chiếm 22% tổng giá trị phát hành trong tháng. Ngân hàng có giá trị phát hành lớn nhất trong tháng là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với 4 đợt với tổng giá trị 2.050 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 4,2%/năm.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam đứng thứ 2 với 2 đợt phát hành trái phiếu trị giá 1.850 tỷ đồng, lãi suất 3.8%/năm. Nhóm ngân hàng có 1.870 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 21%), lãi suất dao động từ 2,8%/năm - 7.325%/năm.
Mới đây, HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã phê duyệt phương án phát hành tối đa 4.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ trong quý IV này, với kỳ hạn từ 7 đến 10 năm để tăng vốn cấp 2.
Tính chung 10 tháng năm 2021, thị trường trong nước có 723 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, huy động khoảng 438 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 705 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 422,45 nghìn tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành), 18 đợt phát hành ra công chúng giá trị 15,55 nghìn tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1.425 tỷ USD.
Nhóm bất động sản vẫn là “vua” phát hành trái phiếu trong cả 10 tháng, với tổng giá trị phát hành đạt 163,9 nghìn tỷ đồng. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 5,2 -13%/năm.
Sau bất động sản là nhóm ngân hàng với tổng khối lượng phát hành 149,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 34,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn dài hạn được huy động nhằm mục đích tăng vốn cấp 2 (chiếm 22,8%). Còn lại, 75% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngăn 2-4 năm.