Bất động sản, “thỏi nam châm” hút vốn ngoại
Từ đầu năm 2016 đến nay, thị trường bất động sản trong nước chứng kiến nhiều cái bắt tay và thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) quy mô lớn có sự góp mặt của nhà đầu tư nước ngoài. Không chỉ các dự án nhà ở, trung tâm bán lẻ, vốn ngoại cũng chảy mạnh vào các dự án văn phòng, bất động sản nghỉ dưỡng…
TPP - Tác động tích cực
Vốn ngoại chảy mạnh hơn vào thị trường bất động sản Việt Nam sau khi 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một hiệp định mang tính lịch sử của tự do hóa thương mại sau 5 năm đàm phán vào tháng 10/2015 và đã được các nước ký vào tháng 2 vừa qua.
Các chuyên gia dự báo, mặc dù là nước phát triển chậm nhất trong 12 thành viên TPP, nhưng Việt Nam có nhiều khả năng trở thành nước được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này với sự gia tăng tổng sản phẩm quốc nội, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp, chi phí nhập khẩu thấp hơn và năng suất cao hơn do sự xuất hiện của nhiều đối thủ cạnh tranh nước ngoài hơn.
Mặc dù tác động của TPP lên thị trường bất động sản của Việt Nam sẽ không lớn như các ngành công nghiệp may mặc, thủy sản và nông nghiệp, nhưng nhu cầu của các ngành liên quan đến bất động sản như khu công nghiệp, nhà kho và ngành hậu được dự báo sẽ theo tăng trong thời gian tới.
Tại phân khúc đất công nghiệp và kho bãi, chuyên gia của CBRE cho rằng, TPP sẽ thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là từ các nước nhập khẩu chính các sản phẩm Việt Nam như Mỹ và Nhật Bản. Các công ty Mỹ sẽ tăng các hoạt động sản xuất tại Việt Nam và tái nhập khẩu các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam nhờ vào việc miễn thuế, nhất là hàng may mặc. Do đó, các công ty Mỹ có khả năng sẽ nhắm đến các khu đất công nghiệp tại các tỉnh phía Nam của Việt Nam, nơi mà một số nhà máy dệt may hiện hữu đang tọa lạc.
Ngoài ra, các nhà sản xuất từ các nước khác chắc chắn sẽ xem xét việc chuyển đổi từ các nước ngoài hiệp định TPP như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Ấn Độ sang Việt Nam để hưởng mức thuế cực thấp. Điều này sẽ gia tăng thêm nhu cầu cho đất công nghiệp, kho bãi và nhà máy.
Theo ông Ang Wee Gee, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Keppel Land, việc Việt Nam gia nhập TPP cũng như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ tạo lực hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thị trường bất động sản. Hơn nữa, việc nới lỏng nhiều điều kiện sở hữu và kinh doanh bất động sản trong Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, cùng với sự cải thiện cơ sở hạ tầng, sự phát triển của tầng lớp trung lưu, cũng như tốc độ đô thị hóa cao sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về nhà ở và văn phòng chất lượng cao.
Việc tăng cường đầu tư nước ngoài và nhu cầu phát triển cho các công ty nước ngoài thành lập tại Việt Nam sẽ gia tăng nhu cầu về mặt bằng văn phòng tiêu chuẩn quốc tế. Tăng trưởng dự kiến của các công ty nước ngoài đến Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu đối với căn hộ dịch vụ, căn hộ cho thuê và thậm chí căn hộ để bán sẽ tăng cao hơn.
Cơ hội mới cho dòng vốn ngoại
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 3 tháng đầu năm 2016, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 216 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 2,9 tỷ USD, chiếm đến 72,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong quý I. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 11 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 239,78 triệu USD, chiếm gần 6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngoài vốn trực tiếp nước ngoài, dòng vốn ngoại còn được thu hút vào thị trường bất động sản Việt nam qua các hình thức khác như M&A, thành lập liên doanh hoặc chuyển nhượng cổ phần để phát triển các dự án.
Ngay tuần trước, CTCP Đầu tư Nam Long đã ký kết hợp tác lần thứ hai cùng 2 nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad để phát triển dự án mới mang tên Fuji Residence, nằm tại quận 9, TP. HCM.
Cụ thể, Nam Long và 2 nhà đầu tư Nhật đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng vốn góp tại Công ty ASPL-PLB-Nam Long (100% vốn của Nam Long), trong đó nhà đầu tư Nhật Bản sẽ mua lại 50% phần vốn góp của Nam Long trong Công ty ASPL-PLB-NL và cùng chia sẻ chi phí phát triển dự án với Nam Long theo tỷ lệ này trong tương lai. Đặc biệt, đây là lần hợp tác thứ hai của Nam Long với 2 đối tác Nhật bản này sau dự án đầu tiên là Flora Anh Đào.
Nhận định về việc nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục hướng chú ý đến thị trường bất động sản Việt Nam, ông Steven Chu, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Nam Long cho biết, Fuji Residence là dự án thứ 2 mà Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad hợp tác cùng Nam Long sau Flora Anh Đào và có thể, sẽ tiếp tục có những dự án khác được hợp tác giữa hai phía trong tương lai.
“Tôi cho rằng, bước vào quý II/2016, số lượng hoạt động M&A dự án bất động sản sẽ tăng đáng kể, do tác động của các hiệp định thương mại. Việt Nam vẫn tiếp tục là thỏi nam châm thu hút đầu tư nước ngoài dưới mọi hình thức,” ông Chu nhận định.
Cũng trong tuần trước, Công ty TNHH Keppel Land, một công ty bất động sản lớn của Singapore đã và đang có nhiều dự án phát triển tại Việt Nam,cũng đã thông qua công ty con của mình là Ibeworth Pte. Ltd. (Ibeworth) mua 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, đáo hạn năm 2020 của Nam Long. Đây là một động thái mở rộng danh mục đầu tư của Keppel Land tại Việt Nam.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Jones Lang Lasalle (JLL) Việt Nam cho biết, hoạt động M&A tiếp tục duy trì xu hướng từ năm 2015 với số lượng thương vụ giao dịch tăng lên trong 3 tháng đầu năm và có nhiều thương vụ đã giao dịch thành công trong thời gian này.
“Chúng tôi tiếp tục nhận thấy sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Giao dịch nổi trội trong quý I/2016 là thương vụ giữa Keppel Land và chủ đầu tư Dự án Empire City tại quận 2, TP.HCM, trong đó Keppel đã nhận chuyển nhượng 40%, tương đương với 93,9 triệu USD”, ông Wyatt nhận định và dự báo, hoạt động M&A sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian còn lại của năm 2016 với lượng giao dịch nhiều hơn nữa nhờ vào những yếu tố tích cực gần đây như thị trường bất động sản cải thiện, những đổi mới tích cực liên quan đến hoạt động đầu tư và tình hình phát triển đang trên đà giảm sút tại một số nước trong khu vực.