Bất động sản có thể vươn tới tầm cao mới trong năm 2016
Đó là nhận định được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đưa ra trước những diễn biến của thị trường thời gian qua đặc biệt là những tín hiệu tích cực trong quý I/2016 vừa qua.
Thị trường tăng trưởng khả quan
Thông tin được đưa ra tại diễn đàn “Giá trị thật của bất động sản Việt Nam năm 2016” vừa qua cho hay, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ đô thị hóa nhanh nhất Đông Nam Á. Theo đó, năm 2015 tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam là 35,5% với khoảng 32,6 triệu người, dự kiến đến năm 2020 sẽ lên tới 45% với 45 triệu người. Mức đô thị hóa của Việt Nam cũng phần nào phản ánh về thị trường bất động sản trong nước thời gian qua.
Trong quý I/2016, bất động sản Việt Nam đạt mức tăng trưởng tốt và tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Thị trường bất động sản ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã sôi động trở lại, lượng giao dịch gia tăng, thị trường ghi nhận nhiều dự án bất động sản lớn được chào bán, điển hình như khu phía Tây của Hà Nội được coi là một trung tâm mới về cả khu dân cư và các dịch vụ thương mại. Không những thế, thời gian qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã loại bỏ được những DN yếu kém ra khỏi thị trường, chất lượng sản phẩm nhờ đó ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Báo cáo tổng quan về thị trường bất động sản quý I/2016, Công ty TNHH Jones Lang LaSalle Vietnam (JLL) cho biết, lượng nhà ở mở bán mới trong quý I/2016 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đạt mức cao kỷ lục, với gần 20.000 căn (bao gồm căn hộ, nhà thấp tầng và đất nền dự án). Trong đó, nguồn cung mới tại Hà Nội đạt 9.900 căn, tăng 13% so với quý IV/2015, phân khúc nhà ở bình dân và trung cấp chiếm đa số với tỷ lệ lần lượt 43% và 50%; tại TP. Hồ Chí Minh, lượng căn hộ mở bán mới trong quý I/2016 đạt 9.720 căn, tăng 28% so với quý IV/2015 và 63% so với cùng kỳ 2015, trong đó, phân khúc trung cấp đóng góp chủ yếu với tỷ lệ trên 50% nguồn cung nhà ở.
Mức tăng trưởng của thị trường bất động sản hiện nay được đánh giá là mức điều tiết, tăng giá vừa phải, phù hợp với thị trường. Nhận định về bất động sản Việt Nam năm 2016, nhiều chuyên gia cho rằng, các giao dịch bất động sản sẽ diễn ra sôi nổi hơn, thị trường sẽ đón thêm nhiều chủ đầu tư mới, và có thể sẽ đạt một tầm cao mới trong năm nay. Trong đó, phân khúc bình dân và trung cấp vẫn sẽ tiếp tục chi phối thị trường nhà ở, đặc biệt với các căn hộ quanh ngưỡng giá 1,5 tỷ đồng.
Vốn cho bất động sản sẽ ra sao?
Thị trường vẫn tiếp tục được dự báo tăng trưởng khả quan trong năm nay, tuy nhiên, vấn đề vốn cho thị trường bất động sản vẫn là một nội dung được quan tâm trong thời gian qua đặc biệt là ảnh hưởng của dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đối với nguồn tín dụng cho thị trường. Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc sửa đổi Thông tư 36 nhằm tăng khả năng thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng và điều chỉnh dòng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh được ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Động thái này không mang ý nghĩa siết chặt hay nới lỏng vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản mà chỉ nhằm tăng cường kiểm soát khả năng thanh khoản và rủi ro trong hoạt động cho vay.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, tín dụng ngân hàng vẫn là nguồn vốn quan trọng hàng đầu với thị trường bất động sản khi bất động sản tiếp tục được dự báo tăng trưởng trong năm 2016. Đây cũng là cơ hội tốt để các ngân hàng trăng trưởng tín dụng. Theo đó, chính sách tiền tệ cần được nới lỏng một cách hợp lý, có tầm nhìn chiến lược để ổn định lãi suất và linh hoạt tỷ giá hối đoái. Song song với đó là quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, chính sách bảo lãnh cần loại bỏ những nhà đầu tư bất động sản không có vốn tài chính và cần phải kiểm soát tốt hơn thị trường tranh chấp bất động sản.
Để thị trường bất động sản và hệ thống ngân hàng phát triển bền vững, quan trọng hơn hết là đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường bất động sản như: hình thành các quỹ đầu tư bất động sản, cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở, quỹ tiết kiệm nhà ở… thay vì chỉ phụ thuộc vào vốn ngân hàng. Nếu doanh nghiệp đầu tư bất động sản muốn giảm lệ thuộc nguồn vốn ngân hàng, cần huy động nhiều nguồn vốn khác nhau như phát hành trái phiếu; phát hành cổ phiếu; huy động vốn thông qua các quỹ tín thác bất động sản. Muốn vậy, hệ thống quản trị doanh nghiệp cần đạt chuẩn nhất quốc tế, và nâng cao tính minh bạch thị trường.
Nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản cũng được nhận định là nguồn vốn quan trọng đối với sự phát triển của thị trường. Trong quý I/2016, vốn FDI vào bất động sản đứng thứ 2 về thu hút FDI với 11 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới tăng 239,78 triệu USD, chiếm gần 6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nguồn vốn này có những tác động tích cực nhất định trên thị trường bất động sản, đặc biệt là tác động đến bất động sản ở các khu công nghiiệp, nhà ở cho người nước ngoài, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp và mặt bằng văn phòng.