Bất ngờ với "đại dịch", dân buôn nhà làm điều từng mơ ước
Tác động của dịch bệnh COVID-19, nhiều chủ đầu tư, môi giới vẫn tìm mọi cách để tương tác với khách hàng và công nghệ là giải pháp hữu hiệu hơn cả. Sức ép làm ăn thời đại dịch giúp DN chuyển đổi nhanh hơn họ từng mơ ước.
Cơ hội chuyển đổi số
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng đang dần thay đổi phương thức mua bán và quản lý bất động sản. Đặc biệt, cú sốc COVID-19 đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực bất động sản nhanh hơn với điều kiện bình thường.
Theo đó, công nghệ sẽ được vận dụng vào các quá trình tư vấn phát triển dự án, bằng cách sử dụng nền tảng platform liên quan đến việc thu thập dữ liệu và thông tin, tiếp thị (công nghệ thực tế ảo 6D, 3D), giúp người mua có cái nhìn trực quan, chính xác giống như đang có mặt tại dự án.
Ứng dụng ra đời nhằm giải quyết những những điều mà thị trường Việt Nam còn thiếu. Sản phẩm được phản ánh gần như chính xác từ xa, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí quảng cáo, nguồn nhân lực, khách hàng nhanh chóng đưa ra quyết định mà không cần thông qua phương pháp thủ công truyền thống.
Thông tin đa chiều, minh bạch, thậm chí mua, bán các sản phẩm bất động sản chỉ bằng vài cú click chuột.Việc sử dụng công nghệ giúp giảm chi phí nhân công, chi phí vận hành, từ đó có thể giảm giá thành, đem lại giá trị thật tới khách hàng.
Việc chuyển đổi mô hình số là yếu tố sống còn khi thực tế theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, tính đến hết tháng 3 đã có 800 sàn giao dịch bất động sản trên tổng số khoảng 1.000 sàn giao dịch trên cả nước ngừng hoạt động.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, trong giai đoạn dịch COVID-19 đang diễn biến khó lường, các doanh nghiệp không tổ chức sự kiện đông người như tiếp thị, mở bán sản phẩm, động thổ, khởi công, khánh thành rầm rộ... Đây cũng là cơ hội để chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, kinh doanh online vào lĩnh vực bất động sản.
Tại hội nghị trực tuyến “Tương lai của thị trường Bất động sản sau COVID-19 tại các nước ASEAN”, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group nhận định, COVID-19 tác động đến phương thức làm việc mới theo công nghệ số, online. Bất động sản Việt Nam cũng sẽ thích ứng theo xu thế này như bán hàng online, các dịch vụ online…
Hình thức bán hàng “số hóa” này đang nhận được sự ủng hộ tích cực từ nhiều phía, không bị tác động nhiều bởi những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh hay sự biến động của nền kinh tế, đem lại những giá trị bền vững cho ngành.
Online ngày càng sôi động
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để không ảnh hưởng đến việc kinh doanh, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chủ động đổi mới “chiêu thức” bán hàng, tự tìm hướng đi mới cho mình.
Một số chủ đầu tư cũng cho biết, COVID-19 đang khiến thị trường bất động sản ảm đạm nhất kể từ đầu 2020. Dù vậy, với những doanh nghiệp áp dụng phương thức bán hàng trực tuyến từ sớm, lúc này lại phát huy ưu thế thị trường.
Sau Sunshine Group, mới đây Vinhomes cũng chính thức công bố Sàn giao dịch trực tuyến Vinhomes Online. Gamuda Land cũng đã cho ra mắt trang giao dịch bất động sản trực tuyến. Cengroup vừa “rót” 1 triệu USD đầu tư vào nền tảng công nghệ Revex - đầu tư bất động sản trực tuyến. CENLand cũng cho ra đời nền tảng nghemoigioi.vn cuối năm 2016.
Đầu tư mạnh vào công nghệ, PropertyGuru đến từ Singapore đã trở thành cổ đông lớn của batdongsan.com.vn. Ba quỹ đầu tư Genesia Ventures (Nhật Bản), Access Venture (Hàn Quốc) và Mynavi Corporation (Nhật Bản) cũng đã rót vốn vào Homedy, một trang tin ứng dụng công nghệ tìm kiếm bất động sản. Trước đó, Propzy Việt Nam nhận rót vốn 2 triệu USD từ Frontier Digital Ventures - quỹ đầu tư có trụ sở tại Malaysia.
Theo Statista.com, giai đoạn 2014-2018 chứng kiến sự xuất hiện của khoảng 500 công ty công nghệ bất động sản (proptech). Riêng năm 2018, tổng giá trị các giao dịch proptech trên toàn cầu là 5,4 tỷ USD.
Thực tế, mô hình bán nhà online ghi nhận tín hiệu tích cực. Tại Trung Quốc, theo Evergrande, ông lớn bất động sản của nước này đã bán 47.500 căn nhà có tổng trị giá lên tới 58 tỷ nhân dân tệ (tương đương 8,3 tỷ USD) thông qua dịch vụ bán hàng trực tuyến chỉ trong 3 ngày.
Nhà phát triển bất động sản này cho biết, hơn 10 triệu người hiện đang sử dụng ứng dụng của công ty này để mua bán bất động sản trực tuyến, cho phép người dùng kết nối với nhân viên tư vấn và tham quan nhà thông qua công nghệ “thực tế ảo”. Một số nhà phát triển bất động sản khác sử dụng nhân viên bán hàng phát sóng trực tiếp hoặc quảng bá qua Wechat.
Theo một nghiên cứu chung của Google và Hiệp hội Bất động sản Mỹ (NAR), cứ 10 người có nhu cầu mua bất động sản thì có tới 9 người sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin.
Bán nhà online được đánh giá là bước đi nhanh nhạy và thức thời của các doanh nghiệp bất động sản để duy trì hoạt động kinh doanh trong mùa đại dịch, tiền đề quan trọng cho sự phát triển của giao dịch bất động sản trực tuyến tại Việt Nam.