Bất ổn chuỗi cung ứng và lạm phát, IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ triển vọng đối với nền kinh tế toàn cầu năm 2021, nhưng vẫn dự báo mức tăng trưởng hợp lý trong trung hạn.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, được công bố hôm thứ Ba, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết họ dự kiến tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu sẽ tăng 5,9% trong năm nay - thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với ước tính hồi tháng 7. Trong năm tới, IMF vẫn giữ dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 4,9%.
Triển vọng sửa đổi cho năm nay được IMF đưa ra trong bối cảnh các vấn đề chuỗi cung ứng ở các nền kinh tế tiên tiến và các nước mới nổi đang trở nên nghiêm trọng hơn.
Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng tại IMF, cho biết trong một bài đăng blog: "Việc sửa đổi triển vọng tăng trưởng ở mức khiêm tốn đang phần nào che dấu một sự tụt hạng lớn đối với một số quốc gia".
"Triển vọng đối với nhóm các nước đang phát triển có thu nhập thấp đã sụt giảm đi đáng kể do hậu quả của đại dịch ngày càng tồi tệ. Bên cạnh đó, nó cũng phản ánh triển vọng khó khăn hơn trong ngắn hạn đối với nhóm nền kinh tế tiên tiến, một phần do nguồn cung bị gián đoạn", bà Gita nói.
Mỹ là một trong những quốc gia đang nằm ở vị trí này. IMF đã cắt giảm ước tính tăng trưởng của Mỹ trong năm nay 1 điểm phần trăm xuống còn 6%. Triển vọng tăng trưởng của Tây Ban Nha và Đức cũng bị cắt giảm 0,5 điểm phần trăm, và của Canada bị giảm 0,6 điểm phần trăm.
Phân hóa phục hồi
IMF cho biết họ đặc biệt lo ngại về tốc độ phục hồi khác nhau ở các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi.
Ước tính của IMF cho thấy trong khi các nền kinh tế tiên tiến có thể vượt quá mức trước đại dịch của họ vào năm 2024, thì các nước đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc, có thể vẫn ở thấp hơn 5,5% so với chỉ số trước đại dịch của họ.
Những sự khác biệt này là hệ quả của "sự phân hóa vaccine và sự chênh lệch lớn trong hỗ trợ chính sách", bà Gita cho biết.
"Trong khi hơn 60% dân số ở các nước có nền kinh tế tiên tiến được tiêm chủng đầy đủ, thì khoảng 96% dân số ở các nước thu nhập thấp vẫn chưa được tiêm phòng", nhà kinh tế trưởng tại IMF chia sẻ.
Lạm phát
Giá tiêu dùng đã tăng đáng kể trong vài tháng qua do gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí hàng hóa cao hơn, đặc biệt là khí đốt.
Tại Mỹ, giá tiêu dùng đã tăng 5,4% trong tháng 7 so với một năm trước đó – tương đối so với mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/2008 - trước khi giảm nhẹ vào tháng 8. Trong khi đó, tại khu vực đồng euro, lạm phát đã đạt mức cao nhất trong 13 năm vào tháng 9.
Lạm phát gia tăng này đã làm tăng áp lực lên các ngân hàng trung ương trong việc giảm bớt các chương trình kích thích tiền tệ của họ nhanh hơn dự kiến.
IMF cảnh báo trong báo cáo của mình: "Rủi ro lạm phát đang có xu hướng đảo chiều và có thể trở thành hiện thực nếu sự bất ổn trong cung - cầu do đại dịch gây ra tiếp tục kéo dài hơn dự kiến".
Do đó, IMF cảnh báo rằng, "mặc dù các ngân hàng trung ương nhìn chung có thể xem xét áp lực lạm phát nhất thời và tránh thắt chặt cho đến khi có sự rõ ràng hơn về động lực giá cơ bản, họ nên sẵn sàng hành động nhanh chóng nếu sự phục hồi tăng nhanh hơn dự kiến hoặc rủi ro kỳ vọng lạm phát gia tăng trở nên hữu hình".