IMF chấp thuận đợt "bơm" tiền hỗ trợ kinh tế lớn chưa từng có trong lịch sử

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Nguồn tiền dự trữ được phân bổ đến tất cả 190 nước thuộc IMF, khoảng 70% sẽ dành cho nhóm 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới G20, chỉ khoảng 3% dành cho các nước thu nhập thấp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các nước thành viên của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chấp nhận thông qua đợt bơm tiền quy mô lớn nhất trong lịch sử tổ chức này nhằm hỗ trợ cho các nước cùng giải quyết gánh nặng nợ nần chồng chất và tác động tồi tệ của đại dịch COVID-19.

Theo Bloomberg, IMF đã tạo ra quỹ dự trữ, vốn được biết đến với cái tên quyền rút vốn đặc biệt (SDR) đầu tiên tính từ khi các nước được cho phép rút ra 250 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng tài chính đầu tiên vào năm 2009. 

Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva, tin rằng gói hỗ trợ mới nhất sẽ giúp củng cố cho ổn định kinh tế toàn cầu. SDR sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 23/8/2021.

“SDR sẽ hưởng lợi cho tất cả các nước thành viên, giải quyết nhu cầu dự trữ trong dài hạn, xây dựng niềm tin và đồng thời củng cố cho sự ổn định và vững vàng của kinh tế toàn cầu. SDR sẽ giúp cho phần lớn các nước dễ tổn thương nhất trên thế giới đương đầu với cuộc khủng hoảng COVID-19”, bà Georgieva nói.

Cho đến nay, những tổ chức bảo trợ cho kinh tế toàn cầu đã luôn cân nhắc về kế hoạch hỗ trợ cho kinh tế toàn cầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Kế hoạch này đã bị trì hoãn khi mà Mỹ, nước cổ đông lớn nhất của IMF, chặn kế hoạch hỗ trợ này. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng nguồn tiền này sẽ không đến được những nước cần nó nhất. Chính trị gia Đảng Cộng hòa French Hill gọi đây là sự hỗ trợ đến những nước không phù hợp mà theo phía Mỹ bao gồm Trung Quốc, Nga và Iran.

Lập trường của phía Mỹ đã thay đổi dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, nguồn tiền này từ các nước có tiềm lực tài chính mạnh tìm đến hỗ trợ cho những nước nghèo và thu nhập thấp. Nguồn lực toàn cầu 650 tỷ USD là mức tối đa mà Mỹ có thể hỗ trợ cho các nước thành viên mà không cần đến sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ.

Nguồn tiền dự trữ được phân bổ đến tất cả 190 nước thuộc IMF dựa trên hạn ngạch của họ, khoảng 70% sẽ dành cho nhóm 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới G20, chỉ khoảng 3% dành cho các nước thu nhập thấp. Còn tính dựa trên SDR, 58% của SDR sẽ được chuyển đến các nước phát triển, khoảng 42% đến nhóm nước mới nổi và đang phát triển. 

Như vậy với 650 tỷ USD, khoảng 21 tỷ USD đến các nước nghèo và đang phát triển; 212 tỷ USD đến các nước mới nổi và đang phát triển khác, chưa tính Trung Quốc, theo Bộ Tài chính Mỹ.

Việc phân bổ vốn lần này có ý nghĩa rất lớn với châu Phi, khu vực này hưởng lợi khoảng 33 tỷ USD quyền rút vốn SDR. Pháp đã cam kết sẽ phân bổ một phần SDR cho các nước trên châu lục này.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa trước đây từng nói rằng tổng lượng SDR phân phối ước tính khoảng 162 tỷ USD cần phải dành cho nhóm nước châu Phi. Ông kêu gọi các nước giàu quyên góp nhiều hơn.

Quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Right – SDR) là tài sản bằng tiền mà các nước thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế nắm giữ trong dự trữ quốc tế của họ. Khác với các tài sản dự trữ khác, chẳng hạn vàng, Quyền Rút vốn Đặc biệt không có hình dạng vật chất cụ thể. Nó được chính Quỹ Tiền tệ Quốc tế tạo ra và chỉ tồn tại dưới dạng các khoản mục kế toán trong một tài khoản đặc biệt do Quỹ quản lý. Quyền Rút vốn Đặc biệt được định giá bằng số bình quân gia quyền của 5 đồng tiền là đô la Mỹ, mác Đức, bảng Anh, frăng Pháp và  yên Nhật, theo định nghĩa được Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra. 

Quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Right – SDR) có thể được sử dụng trong quan hệ tín dụng giữa các nước thành viên IMF với quỹ này cũng như trong thanh toán cán cân thương mại giữa các quốc gia. Khi giải ngân, có thể quy đổi ra một loại tiền tệ mạnh nào đó như Đô la Mỹ, Euro, hoặc Yên Nhật,... tùy tình huống.