Bẫy thu nhập trung bình: Hãy hành động, chứ đừng bàn quanh!

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Lo ngại sẽ có những cuộc thảo luận không ngừng về việc Việt Nam có rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay không?, GS. Ohno nhấn mạnh, Việt Nam cần tập trung vào hành động, thay vì bàn luận nhiều!

GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2011 trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Nguồn: internet
GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2011 trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Nguồn: internet

Dù tranh luận về việc Việt Nam đã rơi hay sắp rơi vào bẫy thu nhập trung bình chưa kết thúc, nhưng chắc chắn bẫy thu nhập trung bình là một “xu hướng”, một nguy cơ có thật. Vì thế, việc quan trọng hơn vấn để tranh luận là phải hành động thế nào để Việt Nam vượt bẫy, hoặc tránh bẫy?

Chưa có định nghĩa chính xác về bẫy thu nhập trung bình

Ngày 15/4/2014, tại Hội thảo “Tránh bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam”, đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ, bẫy thu nhập trung bình là một tình trạng trong phát triển kinh tế, khi mà một quốc gia đã đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định (do những lợi thế sẵn có) sẽ dậm chân tại mức thu nhập đó.

Bẫy thu nhập trung bình xẩy ra khi một quốc gia phát triển chững lại hay thậm chí là trì trệ sau khi đã đạt được mức thu nhập trung bình. 

Vấn đề này thường nẩy sinh với các nền kinh tế đang phát triển khi mức lương tăng lên trong khi tính cạnh tranh về giá cả hàng hoá giảm xuống, khó có thể cạnh tranh với các nền kinh tế đã phát triển về công nghệ hiện đại, hay với các nền kinh tế có mức lương thấp hơn trong việc sản xuất hàng hoá giá rẻ.

“Trạng thái "bẫy thu nhập trung bình" là một tình huống mang tính "tiến thoái lưỡng nan" trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, có khả năng làm giảm hiệu quả của các nỗ lực nhằm phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Có không ít quốc gia gặp phải tình trạng này và trở thành những tình huống cảnh báo đối với các quốc gia khác trong điều hành kinh tế”, ông Vương Đình Huệ cho biết.

Đồng tình với quan điểm của GS. Vương Đình Huệ, GS. Trần Thọ Đạt (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, hiện nay, chưa có một định nghĩa chính xác về bẫy thu nhập trung bình. Hầu hết các nghiên cứu đều đề cập đến bẫy thu nhập trung bình dưới dạng mô tả những đặc trưng của các nước bị rơi vào bẫy.

Do chưa có một định nghĩa rõ ràng, nên các nhà kinh tế cố gắng đưa ra những lý do hợp lý giải thích cho việc tại một thời điểm nào đó, một số nước có khả năng không thể vượt lên nhóm thu nhập cao.

Và, một phương pháp đơn giản được đưa ra là xác định số năm tối đa để một nước năm trong nhóm thu nhập trung bình, mà nếu vượt ngưỡng tối đa này, thì nước đó coi là rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Trên cơ sở số liệu tổng hợp của 124 nước của Levy Economics Institute (2012) từ năm 1820 đến nay, ngưỡng xác định một nước rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp được tính bằng số năm trung bình các nước nằm trong nhóm này là 28 năm.

Cũng theo trường phái này, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, TS. Lưu Bích Hồ nhìn nhận: “Chúng ta còn hơn 20 năm nữa mới rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp chứ chưa phải bẫy thu nhập trung bình cao. Nếu như bẫy thu nhập trung bình cao thì còn 14 năm nữa, tức là chúng ta còn nửa thế kỷ nữa để vượt qua bẫy thu nhập trung bình”.

TĂNG TRƯỞNG GDP THỰC TẾ ĐANG CHẬM LẠI

Bẫy thu nhập trung bình: Hãy hành động, chứ đừng bàn quanh! - Ảnh 1

Nguy cơ hiện hữu

GS. Kenichi Ohno (Nhật Bản) thẳng thắn: “Vào năm 2008, khi tôi tham vấn cho Chính phủ Việt Nam xây dựng kế hoạch 5 năm, tôi đã đề cập đến bẫy thu nhập trung bình. Nhưng lúc đó tôi chỉ nói bẫy thu nhập trung bình là khả năng xảy ra trong tương lai xa. Nhưng giờ tôi có thể nói Việt Nam đang bắt đầu rơi vào bẫy thu nhập trung bình”.

Để minh chứng cho nhận định này, GS. Kenichi Ohno đã đưa ra 5 dấu hiệu: Tăng trưởng của Việt Nam chậm lại; Năng suất lao động kém; Chuyển dịch cơ cấu ở Việt Nam chỉ mang tính hình thức; Trì trệ trong các chỉ số xếp hạng toàn cầu; Gặp các vấn đề nảy sinh do tăng trưởng.

Cụ thể, cơ cấu kinh tế của Việt Nam so với cách đây 20 năm có thay đổi, nhưng không rõ ràng. Xuất khẩu hàng chế biến chế tạo chiếm tới 65%, nhưng hầu hết là xuất khẩu của khu vực FDI. Trong khi khu vực FDI xuất khẩu ròng thì khu vực trong nước lại nhập khẩu ròng. Năm 2008, nhập khẩu tăng nhưng là do tiêu dùng và xây dựng bùng nổ, không phải do nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, vì vậy, sản lượng sản xuất không tăng trong năm 2008.

Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu chỉ xuất khẩu hàng dệt may, da giày, nông sản... Vì vậy, tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc một phần quan trọng từ nguồn lực bên ngoài.

Đã vậy, ở Việt Nam lương tăng nhanh hơn năng suất lao động vì vậy tăng lương không thực chất. Cụ thể, ở Việt Nam giai đoạn 2009- 2012 lương tăng tới 25,9% nhưng năng suất lao động chỉ tăng 3,2%. Trong khi đó, tại Nhật Bản cùng giai đoạn này, lương tăng 9,8% thì năng suất lao động tăng tới 10,1%.

Bên cạnh đó, xếp hạng toàn cầu của Việt Nam chỉ ở mức thấp đến trung bình trong bảng xếp hạng kinh tế thế giới và không có xu hướng cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây. Chính vì vậy năng lực cạnh tranh của Việt Nam không được cải thiện.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những vấn đề do tăng trưởng gây ra như khoảng cách thu nhập và tài sản; lạm phát; bong bóng chứng khoán và bất động sản, tắc nghẽn giao thông, thiệt hại môi trường, tham nhũng...

GS. Kenichi Ohno cũng cảnh báo: “Mức thu nhập mới trên 1.000 USD/người/năm, thì còn quá sớm để chậm lại. Với tài nguyên có hạn, dân số đông, khi tăng trưởng giảm, dân số cứ tăng thì nếu không tạo thêm được giá trị, đời sống sẽ khó khăn hơn. Ví dụ dân số Nhật Bản đã già đi, nhưng do họ đã được hưởng mức thu nhập cao nên vẫn được hưởng cuộc sống tốt. Việt Nam cũng sẽ đối mặt với dân số già đi. Nếu không đạt mức thu nhập cao, người già và thu nhập thấp sẽ khó đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Xã hội sẽ chịu nguy cơ bất ổn”.

Dù không đồng tình với nhận định Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình của GS. Kenichi Ohno, nhưng GS. Trần Thọ Đạt cũng lo lắng rằng, nguy cơ này là có thật.

Bởi từ năm 2008 đến nay, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đã khiến Việt Nam không chỉ suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, mà đã bắt đầu bộc lộ rõ những yếu kém và bất ổn.

Mục tiêu trong 5 năm 2011-2015 là duy trì mức tăng trưởng 7-7,5%/năm, sau đó đã phải điều chỉnh giảm xuống còn 6,5%-7%. Thế nhưng, thực tế, tốc độ tăng GDP trong năm 2011 là 5,89%; Năm 2012: 5,03%; Và năm 2013, chỉ đạt 5,4%. Diễn biến này báo hiệu tình trạng suy giảm và trì trệ kéo dài, ước tính tốc độ trung bình giai đoạn 2011-2015 đạt dưới 6%.

“Tốc độ tăng trưởng trung bình của Việt Nam bắt đầu xu thế suy giảm nhanh và liên tục từ giai đoạn cuối năm 2007 và đến cuối năm 2012 nằm ở mức thấp nhất kể từ năm 2000. Trong khi đó, tăng trưởng của các nước ASEAN-5 đều khởi sắc hơn kể từ giai đoạn cuối năm 2009, sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu”, GS. Đạt chỉ rõ.

Với tốc độ tăng GDP thấp, nguồn vốn tăng chậm, Tổng năng suất nhân tố (TFP) trong giai đoạn 2011-2013 dự tính không có nhiều thay đổi nhiều so với giai đoạn trước. Tính toán sơ bộ, mức đóng góp của TFP là dưới 1,8 điểm phần trăm.

Cùng với đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2011 mặc dù trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, nhưng cũng chỉ đứng thứ 7/11 nước Đông Nam Á, chênh lệch mức tuyệt đối với còn xa, thậm chí đối với nhiều nước, Việt Nam có nguy cơ tụt hậu xa hơn.

“Hiện nay Việt Nam chưa mắc bẫy thu nhập trung bình. Nhưng, nếu cứ tăng trưởng chậm như những năm gần đây, nguy cơ ấy là cực kỳ cao” – GS., TS. Trần Thọ Đạt cảnh báo.

Không đi vào việc thừa nhận hay không thừa nhận Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Đình Cung, điều Việt Nam cần làm ngay lúc này là phải đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao.

“Chúng ta ngày càng tụt hậu xa hơn về mức thu nhập bình quân đầu người so với các nước xung quanh. Bên cạnh, mức năng suất lao động của Việt Nam cũng ở mức thấp và bằng khoảng 12%-13% của Nhật, 30% của Thái Lan, 50% của Indonesia... Trong khi đó, một số động thái gần đây cho thấy việc thay đổi tư duy, nhấn mạnh tăng trưởng dịch vụ cao, song giảm tăng trưởng công nghiệp, điều này là rất nguy hiểm bởi nguy cơ đói nghèo có thể quay lại,” ông Cung khuyến cáo.

Đừng lao vào tranh luận, hãy tập trung hành động

Khi kết thúc phần trình bày, GS Kenichi Ohno đã thẳng thắn: Từ năm nay Việt Nam nên hành động để tránh bẫy thu nhập trung bình. Điều này quan trọng hơn là cứ ngồi đây tranh luận Việt Nam đã mắc bẫy hay chưa. Tôi rất e ngại sau bài trình bày và thảo luận này ở Việt Nam lại có các cuộc hội thảo khác bàn về vấn đề này, mà không có hành động nào tiếp theo”.

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, các quốc gia thu nhập trung bình cũng thường thu lợi từ quá trình hội nhập ít hơn so với các quốc gia phát triển kinh tế cao, do yếu lợi thế so sánh trong mọi lĩnh vực và tình huống này được mô tả như một “khoảng trống của lợi thế so sánh.”

Vì thế, để vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, vị chuyên gia này cho rằng Việt Nam cần phải có những giải pháp căn cơ hơn trong việc dịch chuyển mô hình kinh tế mở rộng về số lượng sang nâng cao về chất lượng, để có thể lấp đầy những “khoảng trống” trong lợi thế so sánh.

GS. Kenichi Ohno đề xuất, Việt Nam phải có sự thay đổi từ duy chính sách, như tác phong của những nhà lãnh đạo, bên cạnh tầm nhìn chính sách cần có những cam kết mạnh mẽ, đòi hỏi kết quả và chấp nhận những rủi ro. Các cuộc thảo luận chính sách “bất tận” như hiện nay cần phải được chuyển sang các kế hoạch hành động và có giám sát cụ thể với thời hạn rõ ràng.

Từ đó, ông Ohno kiến nghị Chính phủ đi vào hoàn thiện các phương pháp chính sách tập trung năng suất lao động, chuyển giao công nghệ trong liên kết đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đồng thời áp dụng các công cụ chính sách, cấu trúc và cơ chế thủ tục chính sách tiêu chuẩn.

Chỉ rõ rằng, việc rơi vào bẫy cũng là do chúng ta và thoát khỏi bẫy cũng đương nhiên tùy thuộc vào chính bản thân chúng ta, PGS.,TS. Phạm Bích San, Phó Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam khẳng định: “tất cả tùy thuộc vào việc chúng ta tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa như thế nào?”

Còn TS. Lưu Bích Hồ cho rằng: “Yếu tố quyết định nhất để tạo ra năng suất là khoa học công nghệ và giáo dục, nếu không giải quyết được thì chẳng có cách gì tạo ra năng suất cao.”

Song, ông cũng thể hiện sự không đồng tình đề xuất dựa vào FDI của GS. Ohno, mà báo động rằng, Việt Nam cũng không dễ gì tận dụng được các liên kết FDI về nâng cao công nghệ để tránh bẫy thu nhập trung bình. Do, hiện tại các dự án FDI chỉ chiếm 5% là công nghệ cao, 15% là công nghệ trung bình, 70%-80% là công nghệ kém, lao động phổ thông.

Ở một góc nhìn khác, PGS., TS. Trần Đình Thiên cho rằng: Vấn đề quan trọng nhất để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình nằm ở vấn đề thể chế. Tuy nhiên, nên nhìn nhận vấn đề thể chế ở góc độ đơn giản, tập trung vào phát triển kinh tế thị trường. 

“Chúng ta đã chuyển sang kinh tế thị trường rồi thì phải làm thật tránh tình trạng phát triển méo mó như hiện nay”, ông Thiên nói.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, hiện nay chúng ta đang đứng trước cơ hội rất lớn đó là hiến pháp mới, hàng loạt luật cơ bản đang bàn, như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật tổ chức Chính phủ, Luật chính quyền trung ương, chính quyền địa phương… Đó là những luật căn bản để tạo ra nền kinh tế thị trường.

Vì thế, “Đề nghị làm luật này thật thị trường, lúc đó mới tạo được nền tảng phát triển”, TS. Cung nói.