Bế mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Việt Hoàng

Chiều ngày 16/6, sau 19 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã họp phiên bế mạc, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với tinh thần trách nhiệm, dân chủ và khoa học, Kỳ họp thứ 3 diễn ra sôi nổi trong suốt 19 ngày làm việc. Tại Kỳ họp này đã có 1.484 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 6 phiên thảo luận tổ, 592 lượt thảo luận và 62 lượt tranh luận tại 23 phiên họp toàn thể tại Hội trường.  

Quốc hội xem xét, thông qua 5 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến với 6 dự án luật khác. Bên cạnh đó, Quốc hội dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN), giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Tại kỳ họp, Quốc hội dành 2,5 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn 4 trưởng ngành là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Tại phiên chất vấn có 133 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, 28 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề quan tâm; tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp 19 phiên với tổng thời lượng là 62 giờ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong các ngành, lĩnh vực, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm; dự báo những thuận lợi, nguy cơ, thách thức, nhất là những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới, áp lực lạm phát gia tăng, giá xăng dầu, nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng cao, sự bất ổn của thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản,...

Quốc hội đã quyết nghị nhiều định hướng lớn, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục quyết liệt triển khai nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại các kết luận của Trung ương Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022, về các khung kế hoạch 05 năm 2021-2025.

Đặc biệt, Quốc hội đã đề nghị các cấp, ngành, địa phương khẩn trương triển khai đồng bộ và đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… 

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020 và yêu cầu Chính phủ tăng cường chỉ đạo, có giải pháp siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương tài chính, khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm trong chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm các sai phạm trong lập, chấp hành, kế toán và quyết toán NSNN, trong quản lý, sử dụng NSNN và tài sản công...

Để các Luật, Nghị quyết vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV nhanh chóng triển khai, sớm phát huy hiệu quả, ngay sau Kỳ họp, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện kịp thời các luật, nghị quyết vừa được thông qua, khắc phục tình trạng “quyết sách đúng - trúng - kịp thời, nhưng triển khai chậm - kém hiệu quả”.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu Quốc hội sớm báo cáo cử tri cả nước kết quả của Kỳ họp, thường xuyên lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp tục đồng sức, đồng tâm cùng Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, thách thức, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế, bảo đảm tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội sau đại dịch.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Trước phiên bế mạc, trong chiều ngày 16/6, với 476/479 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (95,58%) Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Với việc biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp, Quốc hội chính thức hoàn thành toàn bộ nội dung làm việc của Kỳ họp thứ 3.

Tại Nghị quyết, Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, chủ động, linh hoạt, kịp thời triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. 

Quốc hội thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023. Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất  luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (dự kiến tổ chức vào tháng 5/2023).

Quốc hội cơ bản thống nhất với kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 như Báo cáo số 177/BC-CP ngày 13/5/2022 của Chính phủ. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm túc Kế hoạch giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” của Quốc hội; Triệt để tiết kiệm chi tiêu NSNN; Kiên quyết thu hồi đất đã giao mà chưa sử dụng theo quy định, đất do hành vi vi phạm pháp luật mà có; hằng năm, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát, xử lý các vi phạm này tại kỳ họp giữa năm 2022...

Về điều chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát NSNN, Quốc hội đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát NSNN cho 05 dự án, gồm: 01 dự án do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) làm chủ đầu tư và 04 dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư theo Tờ trình số 13/TTr-CP và Báo cáo số 14/BC-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ.

Quốc hội giao Chính phủ rà soát, hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; lập, giao dự toán, thanh quyết toán NSNN hằng năm để thực hiện chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát NSNN cho 05 dự án theo đúng quy định của pháp luật và Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV…