Bế tắc phát triển nhà cho thuê

Theo Hải Sơn/thoibaokinhdoanh.vn

Theo dự báo, đến năm 2020, có khoảng 7,5 triệu công nhân khu công nghiệp và 7,5 triệu người thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở tại các thành phố lớn. Đây là “dư địa” rất lớn cho loại hình nhà ở cho thuê và khả năng đáp ứng nhu cầu này hiện nay rất thấp.

Khó khăn về vốn là một trong những nguyên nhân chính không hấp dẫn doanh nghiệp xây nhà cho thuê, vì nếu xây nhà ở bán sẽ nhanh chóng thu hồi được vốn, nhưng với nhà ở cho thuê phải mất trên 20 năm mới thu hồi được. Nguồn: Internet
Khó khăn về vốn là một trong những nguyên nhân chính không hấp dẫn doanh nghiệp xây nhà cho thuê, vì nếu xây nhà ở bán sẽ nhanh chóng thu hồi được vốn, nhưng với nhà ở cho thuê phải mất trên 20 năm mới thu hồi được. Nguồn: Internet

Nhà cho thuê không mới, nhưng ở Việt Nam, nhà cho thuê ít được quan tâm và mảng thị trường này đang bị bỏ ngỏ. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, thậm chí trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 cũng đã nhắc tới, song mục tiêu này khó thực hiện được.

Chưa đáp ứng được nhu cầu

Anh Thành, chị Yến là nhân viên của một công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội. Lương hai vợ chồng, nuôi một con nhỏ, sinh hoạt hàng tháng, tằn tiện còn 5 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này anh chị phải dành 3 triệu đồng để thuê một căn nhà 15m2.

Không chỉ anh Thành, chị Yến mà còn rất nhiều nhân viên, công nhân… tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ quan ban ngành ở Hà Nội và một số thành phố lớn tằn tiện lương hàng tháng chỉ để thuê nhà. Điều đáng nói, nhà ở đây là thuê từ các hộ gia đình nhỏ lẻ, với diện tích chật hẹp, giá thuê bấp bênh, tiền điện, nước sử dụng hàng tháng phải trả cao gấp đôi, gấp ba lần giá theo quy định.

Vấn đề này đặt ra một câu hỏi nhức nhối, bao giờ những người làm ra của cải cho xã hội được thuê những căn hộ do Nhà nước hỗ trợ. Thực tế, nhà ở xã hội cho các công nhân, học sinh, sinh viên thuê tại Hà Nội và các thành phố lớn là có, nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu những người độc thân. Theo thống kê, tính cả nhà ở xã hội bán và nhà ở xã hội cho thuê, chỉ đáp ứng được 28% nhu cầu.

Điểm qua các khu vực như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh… cho thấy, nhà cho thuê từ các hộ gia đình rất nhiều. Nhiều gia đình có điều kiện đã xây chung cư nhỏ khoảng 15 – 20 phòng, còn đa phần là những dãy nhà trọ 10 – 15m2, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Thị trường nhà cho thuê bị bỏ ngỏ, trong khi đó nhu cầu cho thuê rất lớn.

Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, chưa có thống kê đầy đủ về nhà cho thuê, hiện nay ở phía Bắc chỉ có Tổng công ty Vigalacera xây nhà cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp như Yên Phong, Tiên Sơn, nhà cho các hộ gia đình thuê tại Đặng Xá – Gia Lâm; công ty xây dựng Hacinco và Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng các công trình (Sở Xây dựng Hà Nội) có nhà cho sinh viên thuê… còn các doanh nghiệp khác không mặn mà với nhà cho thuê.

Riêng Viglacera có 270 căn nhà cho các hộ gia đình thuê tại khu đô thị Đặng Xá với mức giá 30.000 đồng/m2 (chưa tính VAT). Nếu một căn 50m2, giá thuê là 1,5 triệu đồng/tháng. Đây là một mức giá phù hợp với túi tiền của những gia đình có thu nhập thấp.

Khó khăn về vốn

Theo Luật Nhà ở năm 2014, tại Mục 4 “Phát triển nhà ở xã hội” có quy định nhà thuê, thuê mua, nhưng phần lớn dự án nhà ở xã hội hiện tại đều không có mảng cho hộ gia đình thuê, chỉ một số ít chủ đầu tư xây nhà cho công nhân, sinh viên còn độc thân thuê.

Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng khó khăn về vốn là một trong những nguyên nhân chính không hấp dẫn doanh nghiệp xây nhà cho thuê, vì nếu xây nhà ở bán sẽ nhanh chóng thu hồi được vốn, nhưng với nhà ở cho thuê phải mất trên 20 năm mới thu hồi được, trong khi đó, áp lực trả nợ ngân hàng lớn.

GS. Đặng Hùng Võ đồng tình với quan điểm trên và cho rằng đầu tư vào bất động sản cho thuê cần thời gian thu hồi vốn dài nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà. Tuy nhiên, GS. Võ cũng lưu ý nhà cho thuê có khung pháp lý khá tốt, “chúng ta phải hoàn chỉnh khung pháp lý về nhà ở cho thuê, tăng cung nhà ở cho mảng này”, GS. Võ nhấn mạnh.

Trên thực tế, việc tăng cung nhà ở cho thuê rất khó vì khó có nguồn vay tín dụng dài hạn. Do đó, khả năng phát triển bất động sản cho thuê hiện nay đang bế tắc. Theo ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Capital House, việc xây phân khúc nhà cho thuê tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường, do tâm lý người Việt Nam là “an cư lạc nghiệp” nên rất ít người muốn thuê nhà. “Tuy nhiên, nếu pháp luật yêu cầu, doanh nghiệp chúng tôi sẽ phải thực hiện theo”, ông Bách nói.

Còn đại diện Viglacera cho hay, Mục 4 của Luật Nhà ở có quy định về thuê, thuê mua nhà ở xã hội, như vậy khung pháp lý là có. Do đó, Viglacera cũng đã dành quỹ nhà ít ỏi để cho các đối tượng trong quy định thuê. Hiện tại, 270 căn hộ cho thuê của Viglacera không còn một chỗ trống vì nhu cầu thuê nhà quá lớn.

Một tín hiệu đáng mừng là ngày 28/10/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm người lao động tại tỉnh Đồng Nai. Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương cần quy hoạch đất đai, bố trí diện tích xây chung cư, căn hộ cho công nhân vì nhu cầu rất lớn. Chính phủ sẽ có một số chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai để làm việc này.

Song để mảng này phát triển, đầu tiên cần thay đổi tư duy “an cư lạc nghiệp”, tiếp theo, cần có một nguồn vốn lâu dài dành riêng cho phân khúc nhà cho thuê và đặc biệt, cần sự chung tay của doanh nghiệp.

Tới đây, một số dự án nhà ở xã hội tại Đồng Mai, Đông Anh, Long Biên… sẽ được triển khai và với những tín hiệu tích cực từ chính sách của Chính phủ, các dự án này cũng sẽ dành cho người thu nhập thấp “một chốn đi về”.