BHXH Việt Nam: Duy trì tăng phát triển đối tượng khoảng 5 -7% năm

PV.

Trong năm 2018, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng phát triển đối tượng khoảng 5-7% năm, số thu cũng tăng trưởng khá.

Hiện nay, số người tham gia BHXH bắt buộc khoảng 14 triệu người, chiếm 24% lực lượng lao động.
Hiện nay, số người tham gia BHXH bắt buộc khoảng 14 triệu người, chiếm 24% lực lượng lao động.

Thông tin trên được Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh chia sẻ tại buổi làm việc với Đoàn cán bộ Quỹ An sinh xã hội Quốc gia Lào do Phó Tổng Giám đốc Boungnorth Chanthavone làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với BHXH Việt Nam ngày 4/12.

Báo cáo về kết quả hoạt động của BHXH Việt Nam trong thời gian qua, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, trong năm 2018, BHXH Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng phát triển đối tượng khoảng 5-7% năm, số thu cũng tăng tương tự.

Hiện nay, số người tham gia BHXH bắt buộc khoảng 14 triệu người, chiếm 24% lực lượng lao động; bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 82,4 triệu người tham gia, tỷ lệ bao phủ đạt gần 88% dân số.

Hàng năm, BHXH Việt Nam thực hiện giải quyết chế độ đầy đủ, an toàn 170 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT; 3,2 triệu người hưởng chế độ lương hưu và trợ cấp hàng tháng và khoảng gần 10 triệu lượt hưởng chế độ BHXH ngắn hạn.

Trong 3 năm trở lại đây, BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm đến đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin. Ứng dụng công nghệ  thông tin của BHXH Việt Nam nằm trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử.

Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, Ngành trong đó có bảo hiểm xã hội  Việt Nam nhanh chóng thực hiện Chính phủ điện tử. Giai đoạn trước, bảo hiểm xã hội  Việt Nam luôn đứng ở tốp cuối các Bộ, Ngành trong ứng dụng công nghệ  thông tin.

Tuy nhiên, đến năm 2017 và 2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã vươn lên đứng ở vị trí thứ nhất và thứ hai trong khối Bộ, Ngành, Chính phủ sẵn sàng ứng dụng công nghệ  thông tin. Hiện nay, BHXH  Việt Nam đã thực hiện ứng dụng công nghệ  thông tin trên tất cả các lĩnh vực thu, chi trả, quản lý tài chính, giao dịch với cá nhân và với tổ chức.

Điểm nổi bật là trong thời gian ngắn, BHXH Việt Nam kết nối liên thông 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc để thanh quyết toán BHYT trên hệ thống…

“Với những kết quả đáng khích lệ trong ứng dụng công nghệ  thông tin, BHXH Việt Nam sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với Quỹ An sinh xã hội Lào, đồng thời mong muốn hai bên sẽ tiếp tục thực hiện tốt theo tinh thần Biên bản ghi nhớ trong năm nay và những năm tiếp theo”, ông Đào Việt Ánh nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Quỹ An sinh xã hội Lào Boungnorth Chanthavone cho biết, hiện nay, Quỹ An sinh xã hội của Lào có hơn 300 nghìn người tham gia và khoảng 6.930 người hưởng BHYT.

Tổng số cán bộ trên toàn quốc có 3.560 người, cấp phòng của Quỹ ở 18 tỉnh, thành phố ở cấp huyện có 3 đơn vị. Ứng dụng công nghệ  thông tin của Quỹ An sinh xã hội Lào còn hạn chế chỉ một số nơi thực hiện được trực tuyến còn lại chủ yếu là thực hiện trực tiếp.

Trước yêu cầu chung của xu thế vấn đề nhu cầu cao tăng cường quản lý bằng công nghệ  thông tin để hội nhập và thực tế của cuộc Cách mạng 4.0. Đặc biệt, Quỹ An sinh xã hội tập trung cải tiến, thay đổi phương thức làm việc, sử dụng công nghệ, chính vì vậy Quỹ An sinh xã hội mong nhận sự giúp đỡ, chia sẻ BHXH Việt Nam về ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong chuyến công tác lần này, Đoàn quan tâm việc xây dựng kho dữ liệu kết nối liên thông.

Trong chương trình làm việc, BHXH Việt Nam đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ  thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ của BHXH Việt Nam; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an sinh xã hội và lưu trữ hồ sơ; thăm hệ thống điều hành công nghệ thông tin; trung tâm lưu trữ dữ liệu, dữ liệu dự phòng; làm việc với BHXH TP. Hà Nội về ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp tỉnh, huyện…

Đoàn công tác cũng đã trao đổi những thông tin liên quan về ứng dụng công nghệ  thông tin, cơ sở hạ tầng mạng, vai trò đối với hệ thống cơ sở dữ liệu; kiểm soát mạng, kết nối mạng giữa Trung ương và địa phương; công nghệ và quản lý an ninh; dự án phát triển công nghệ  thông tin.