Bí quyết cho mùa hè: Dùng điều hòa không hề tốn điện!
Đa số mọi người đều cho rằng việc sử dụng điều hòa 6 - 7 tiếng mỗi ngày sẽ làm cho hóa đơn tiền điện tăng lên đáng kể, đặc biệt trong mùa nóng. Do đó, rất nhiều biện pháp tiết kiệm điện đã được tìm ra và áp dụng nhằm làm giảm bớt chi phí tốn kém này.
1. Để chế độ quạt gió tự động
Việc này giúp tiết kiệm điện khi công suất hoạt động của máy nhỏ hơn các chế độ khác, đồng thời cả căn phòng sẽ được mát một cách toàn diện. Một số người dùng thường để quạt gió thổi mạnh vào một khu vực nhất định, vừa gây lãng phí vừa không tốt cho sức khỏe về lâu dài.
2. Chọn đúng chế độ làm lạnh
Các dòng điều hòa hiện nay thường có chế độ làm lạnh và chế độ làm sạch không khí. Một số thiết bị hiện đại trong chế độ làm sạch không khí chia ra làm hai chế độ nhỏ là khử ẩm hâm nóng và hút ẩm nhẹ. Theo đánh giá, chế độ tốn điện nhất là khử ẩm hâm nóng, rồi đến làm lạnh và hút ẩm nhẹ. Do đó, trong điều kiện hình thường, người dùng nên chọn chế độ hút ẩm nhẹ để tiết kiệm năng lượng. Nhiều người tiêu dùng Việt có thói quen sử dụng điều hòa nội địa Nhật Bản có thể áp dụng cách này để tiết kiệm chi phí điện năng.
3. Thường xuyên vệ sinh lưới lọc
Thông thường, người sử dụng nên vệ sinh lưới lọc không khí 2 lần một tuần để đảm bảo cho thiết bị hoạt động ổn định cũng như làm giảm bớt gánh nặng công suất. Lưới lọc thường được thiết kế để tháo khá dễ dàng, tuy nhiên, cần chú ý sử dụng nước lạnh để rửa và không được sấy vì có thể làm chúng biến dạng do không chịu được nhiệt độ cao. Khi phun nước rửa cũng lưu ý phun mặt phải để những bụi bẩn rơi ra từ mặt trái của lưới lọc.
4. Dùng tấm bạc chống nhiệt để phủ dàn nóng
Việc này giúp cho dàn nóng của điều hòa không bị ánh mặt trời chiếu trực tiếp. Nếu có điều kiện, người sử dụng có thể làm khung chống nóng bằng gỗ hoặc các vật liệu cách nhiệt khác tốt hơn. Chi phí để mua tấm bạc chống nhiệt khá rẻ nhưng có thể giúp tiết kiệm tiền điện của điều hòa từ 5% đến 10%.
5. Hãy lắp một quạt trần trong phòng đặt điều hòa
Đầu tư khoảng hơn một triệu đồng cho một chiếc quạt trần sẽ giúp lưu thông không khí và giữ cho bạn cảm giác sảng khoái. Ngay trong lúc đang dùng máy lạnh, bạn vẫn nên bật một chiếc quạt trần để luồng gió từ quạt giúp đẩy không khí mát từ điều hòa tỏa đều khắp phòng, cho việc làm mát toàn bộ căn phòng được nhanh chóng hơn, tránh việc chỗ này quá lạnh, chỗ kia lại nóng. Hơn nữa, kết hợp với gió mát từ quạt trần và độ luôn chuyển không khí được hình thành ở cả quạt và điều hòa, bạn có thể điều chỉnh mức nhiệt 27 – 28 độ C cho điều hòa mà vẫn đảm bảo cảm giác dễ chịu trong những ngày oi bức. Từ đó tiết kiệm điện năng hiệu quả và có lợi hơn cho sức khỏe.
6. Không bật tắt điều hòa liên tục và nhớ ngắt aptomat sau khi tắt.
Rất nhiều người có thói quen nghĩ rằng bật điều hòa để thật lạnh sau đó tắt đi và dùng quạt. Chờ đến khi nào cảm thấy nóng lại thì lại bật điều hòa một lát và tắt đi như thế cho tiết kiệm điện. Tuy nhiên đó là một sai lầm nghiêm trọng không những làm tốn điện nhiều hơn mà còn khiến lốc máy nhanh hỏng. Bởi mỗi khi bật máy để khởi động thì điều hòa máy lạnh lại cần rất nhiều điện để khởi động máy nén, quạt mới có thể giảm nhiệt như mức chúng ta mong muốn.
Ngoài ra, nhiều người vẫn luôn nghĩ tắt điều hòa bằng điều khiển là xong, và nó sẽ không "ngốn" điện nữa. Nhưng thực tế là khi tắt điều hòa mà không ngắt aptomat (công tắc nguồn điện) thì máy vẫn tiêu thụ điện ngầm khoảng 15w nữa đấy.
7. Ống thông gió cũng cần vệ sinh
Ống thông gió (là phần thổi hơi mát ra) thường xuyên bị bẩn và bị tắc rất nhanh. Là nơi thổi không khí mát ra ngoài nên ống thông gió có vai trò quan trọng trong việc làm mát. Tuy nhiên nếu nó bị tắc lại, thì sẽ che mất luồng gió lạnh của điều hòa, từ đó điều hòa cần phải tốn nhiều thời gian hơn để làm mát căn phòng. Về lâu dài, việc hệ thống thông gió bị tắc cũng có thể làm hư bộ điều hòa không khí và các thiết bị ở trong nó. Lúc này việc sửa chữa sẽ rất tốn tiền, cho nên bạn nên siêng năng, mỗi tháng vệ sinh hệ thống thống gió của điều hòa ít nhất một lần.
8. Lắp thêm quạt hút
Nhiều người nghĩ lắp thêm quạt hút gió công suất nhỏ sẽ tốn điện, nên hầu hết trong phòng khách sạn, hay phòng ngủ của các gia đình, không khí không được lưu thông để cung cấp đủ ôxy. Vì thế khi ngủ dậy, chúng ta thấy nặng đầu, đau đầu, hay bị viêm đường hô hấp và hầu hết đều đổ tại "nằm điều hòa".
Ngay cả người bán điều hòa, nhân viên kỹ thuật lắp đặt điều hòa không khí đều hiểu sai về việc "lưu thông không khí trong phòng", khi họ cho rằng máy điều hòa có thể lưu thông không khí do tự nó hút không khí bên ngoài, làm lạnh, lọc bụi và thổi vào phòng. Điều này hoàn toàn không đúng.
Điều hòa hút chính không khí trong phòng, thổi qua giàn lạnh làm mát, do đó không khí trong phòng cứ vậy "quay vòng" chứ không hề lưu thông với bên ngoài. Khi lắp đặt điều hòa, theo quy chuẩn phải có quạt thông gió công suất nhỏ để đối lưu và thay đổi không khí trong phòng. Quạt hút nên lắp đối diện dàn lạnh để hút khí độc ra ngoài, theo đó không khí có ôxy tự nhiên sẽ theo khe cửa, kẽ hở vào phòng cung cấp ôxy cho người sử dụng.
9. Tránh nhầm lẫn giữa chế độ Cool và Dry
Cool là chế độ hơi lạnh (thường có hình bông tuyết) còn Dry là chế độ trừ ẩm (thường có hình biểu thị là giọt nước). Dry tiêu thụ ít điện năng hơn do điều hòa hút hơi ẩm khỏi phòng, làm không khí khô ráo không oi bức còn Cool đòi hỏi quạt đẩy nhiệt từ trong phòng ra ngoài đòi hỏi máy hoạt động với công suất cao.
Nhiều người thường mặc định chọn Dry để tiết kiệm điện. Tuy nhiên, để lựa chọn xem chế độ nào hợp lý nhất, người dùng phải có thông tin về độ ẩm trong không khí. Nếu độ ẩm cao, Dry mang lại hiệu quả tốt. Nhưng trong những ngày nóng, chỉnh sang dùng Dry chỉ khiến người dùng thêm khó chịu, không thấy mát trong khi da dễ bị khô.Cụ thể, những ngày thời tiết nóng ẩm oi bức, độ ẩm trên 60% có thể dùng Dry.
Trong điều kiện khô nóng, độ ẩm dưới 50%, hãy chọn chế độ Cool. Rất nhiều ứng dụng trên smartphone có thể cung cấp thông tin về độ ẩm trong không khí của từng khu vực cụ thể.